|
Cắt băng khánh thành trụ sở của VUSTA. |
TS Phạm Văn Tân: Hy vọng đội ngũ trí thức sẽ ngày càng lớn mạnh hơn
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA - LHH) tại lô D20, ngõ 19 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA đã điểm lại quá trình xây dựng trụ sở.
Ông Tân cho biết, năm 1983-1986 trụ sở của LHH đặt tại 32 Bà Triệu với diện tích chưa đến 100m2.
Từ năm 1986, trụ sở của LHH được đặt ở 53 Nguyễn Du với diện tích ban đầu chỉ hơn 100m2, sau được nhà nước cấp thêm 600m2.
|
TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA phát biểu tại buổi lễ. |
Sau quá trình sử dụng, tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng, có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Trước tình hình đó, các lãnh đạo LHH nhiều thời kỳ đều trăn trở tìm phương án xây dựng một trụ sở mới.
Trong suốt quá trình 21 năm, điều ấn tượng là các lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm, sát sao triển khai xây dựng trụ sở. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ giúp cho việc chuyển trụ sở của LHH càng nhanh càng tốt.
Sau khi tham khảo mô hình từ các nước, LHH đã thảo luận thống nhất xây dựng một cơ sở khang trang, tương xứng với vị thế, vai trò của đội ngũ trí thức. Từ đó, quyết định xây dựng tòa nhà 11 tầng với diện tích 10 ngàn m2, không chỉ là trụ sở của LHH, đảm bảo được mọi hoạt động của hệ thống VUSTA mà còn có thể cho cả đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.
Ông Tân chia sẻ, ông rất vui mừng khi hôm nay công trình được hoàn thiện và sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Có được công trình ngày hôm nay, phải có 2 yếu tố: Đầu tiên, là sự quan tâm, trách nhiệm, nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ của LHH, đặc biệt là các cán bộ của LHH đã có trách nhiệm vận động, thuyết phục và làm mọi phương án để công trình sớm được hoàn thành;
Thứ hai, là sự quan tâm rất sâu sắc của các đồng chí cán bộ Đảng, nhà nước, của các bộ ban ngành trung ương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, và đặc biệt là TP Hà Nội để LHH có thể sớm triển khai được dự án này.
“Một công trình uy thế, đàng hoàng, xứng tầm với đội ngũ trí thức. Và tôi hy vọng, đội ngũ trí thức khi có được trụ sở mới sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, thực hiện được sứ mệnh của mình. Đó là tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Tân nói.
TS Phan Tùng Mậu: Trụ sở mới là ngôi nhà chung mơ ước
TS Phan Tùng Mậu, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHH) cho biết, ông rất vui mừng và xúc động khi LHH chuyển đến trụ sở mới
|
TS Phan Tùng Mậu (ngoài cùng bên phải) trò chuyện cùng các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo VUSTA. |
“Đây có thể nói là một nơi ước mơ của LHH, của các cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống Vusta. Bởi để xây dựng được trụ sở mới này là một quá trình cực kỳ khó khăn, kéo dài hơn 10 năm. Để thực hiện được điều này, phải có sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ đã tạo mọi điều kiện để trụ sở có thể hoàn thành. Tòa nhà được khánh thành ngày hôm nay là kết quả của những nỗ lực, cố gắng của rất nhiều người”, ông Mậu nói.
Ông Mậu hy vọng, một trụ sở khang trang sẽ là ngôi nhà chung không chỉ của LHH mà còn của những trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.
“Tôi nghĩ việc có một cơ sở vật chất tốt sẽ là điểm tựa để LHH có thể phát triển mạnh, các trí thức sẽ đến ngôi nhà này thường xuyên hơn và ngày càng có nhiều đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của đất nước”, ông Mậu bày tỏ.
TSKH. Nghiêm Vũ Khải: Cần xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh
TSKH. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV chia sẻ, LHH thành lập năm 1983. Sau gần 40 năm thành lập, ngày hôm nay, LHH được tiếp nhận một trụ sở mới, một cơ ngơi rộng rãi, được xây dựng trên một vị trí rất trung tâm của TP Hà Nội là một sự kiện đặc biệt.
|
TSKH. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó chủ tịch VUSTA. |
“Tôi đã đi thăm các phòng, ban lãnh đạo các đơn vị chức năng. Đây là một tòa nhà đáp ứng được yêu cầu hoạt động của Vusta. Đây không chỉ là cơ quan trung ương của LHH mà là nơi tập hợp những đơn vị trực thuộc, là nơi diễn ra các hội nghị, hội thảo và là nơi tập hợp trí thức để thực hiện các hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ, điều lệ của LHH đã quy định. Tôi rất vui, phấn khởi, xin chúc mừng LHH VN, các hội thành viên trực thuộc, đặc biệt là các đồng chí, anh chị em công tác tại cơ quan trung ương của LHH”, ông Khải nói.
Theo ông Khải, việc có được cơ sở vật chất tốt sẽ tạo điều kiện để của LHH nói chung, các tổ chức thành viên, đơn vị trực thuộc nói riêng thực hiện tốt những chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, một điều rất quan trọng, đó là cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất, chúng ta phải xây dựng được một đội ngũ trí thức phát huy được vai trò của mình.
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giai đoạn hậu COVID-19 có rất nhiều thách thức. Việt Nam muốn vươn lên, phải lấy khoa học và công nghệ là trọng tâm phát triển. Văn kiện đại hội 13 của Đảng đã xác định vị trí rất quan trọng của khoa học và công nghệ.
“Việc LHH có được trụ sở mới sẽ là một trong những điều kiện để LHH có thể thực hiện các chủ trương đường lối mà đại hội Đảng thứ 13 đã đề ra đối với khoa học và công nghệ. Chúc các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học thuộc hệ thống Vusta sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp của đất nước”, ông Khải nói.
Ngày 30/9/2022, nhân kỷ niệm Khoa học & Đời sống bước sang tuổi 64, TSKH. Nghiêm Vũ Khải đã có những chia sẻ về ấn phẩm KH&ĐS. Ông Khải cho biết, KH&ĐS là một tờ báo đầu tiên về khoa học của đất nước, đã từng được các cố lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm, xây dựng.
“Đây là tờ báo có truyền thống, uy tín với bạn đọc cả nước trong 63 năm qua. Tôi mong muốn, tập thể lãnh đạo, phóng viên của Báo sẽ tiếp tục gắn bó với sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ. Tuyên truyền phổ biến kiến thức, huy động các nhà khoa học cũng như nhân dân trong việc phát huy sáng kiến để thay đổi cuộc sống theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó, từng bước nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước”.