Ngày 23/7, UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa ban hành văn bản về việc phổ biến, tuyên truyền, kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình cung cấp điện của các kho, xưởng chế biến vi phạm quy định về quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
|
Một kho sầu riêng ở huyện Krông Pắk xây trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang giao thông |
Theo đó, hiện nay trên địa bàn huyện, người dân, doanh nghiệp xây dựng nhà kho, xưởng chế biến để sơ chế, đóng gói, lưu trữ các loại trái cây ngày càng tăng cao. Dẫn đến khách hàng đăng ký nhu cầu cấp điện để phục vụ cho chế biến, lưu trữ cũng tăng theo.
|
Trong vài năm gần đây, Krông Pắk có hàng trăm kho, xưởng sầu riêng được xây dựng |
UBND huyện Krông Pắk yêu cầu UBND các xã, thị trấn, trung tâm truyền thông - văn hóa - thể thao huyện tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tuân thủ các quy định về đất đai, trật tự xây dựng.
Yêu cầu các đơn vị không cung cấp điện, không ký xác nhận cấp điện đối với các nhà kho, xưởng chế biến xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa được cấp giấy phép xây dựng. Không cấp điện cho các kho, xưởng có diện tích xây dựng lớn hơn diện tích giấy phép hoặc lớn hơn tổng diện tích đất thổ cư, diện tích đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng. Bên cạnh đó, không cấp điện cho các kho, xưởng vi phạm hành lang an toàn giao thông, vi phạm chỉ giới xây dựng, vi phạm an toàn về PCCC, môi trường...
Krông Pắk được xem là "thủ phủ" sầu riêng Tây Nguyên, hiện vào vụ thu hoạch. UBND huyện Krông Pắk cũng đang gấp rút hoàn tất các khâu cuối cùng để tổ chức Lễ hội sầu riêng lần thứ 2 diễn ra từ ngày 31/8 đến hết ngày 2/9.
Những năm qua, cùng với sự phát triển "nóng" của sầu riêng, sự buông lỏng trong quản lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nên tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng các kho, xưởng sầu riêng ở huyện Krông Pắk rất lớn.
Cuối năm 2023, Sở Xây dựng Đắk Lắk đã kiểm tra 32/632 kho chứa sầu riêng tại huyện Krông Pắk thì có tới 31 kho vi phạm. Theo Thanh tra Sở Xây dựng, các đoàn kiểm tra của huyện Krông Pắk có biểu hiện qua loa, né tránh. Địa phương thiếu trách nhiệm trong việc theo dõi, phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh công trình xây dựng. Chính quyền địa phương cũng nể nang trong việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, không chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
"Việc kiểm tra, xử lý chỉ thực hiện đối với các công trình của các doanh nghiệp tư nhân và người dân. Với các công trình có quy mô lớn lại không kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định. Việc này gây bất bình đẳng trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự tín nhiệm của người dân đối với bộ máy chính quyền các cấp và tính nghiêm minh của pháp luật" - kết luận khẳng định.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sầu riêng trở "biểu tượng flex mới" của giới nhà giàu Trung Quốc: