Hé lộ bí ẩn đằng sau phim trường nghi của người Trung Quốc ở Lạng Sơn?

Google News

(Kiến Thức) - Chủ phim trường BBK tại TP Lạng Sơn vừa lên tiếng trước thông tin phim trường không có dự án đầu tư, sử dụng đất sai mục đích và nghi của người Trung Quốc góp vốn đầu tư đã hé lộ những bí ẩn đằng sau phim trường đang thu hút sự quan tâm của dư luận này.

Liên quan đến phim trường BBK gồm một chuỗi nhà sàn (ở thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đang gây xôn xao dư luận khi được cho là do một nhóm người Trung Quốc mua gom đất rừng, xây dựng lên một dãy nhà sàn, chòi lá và không có dự án đầu tư…, hiện các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đang vào cuộc để làm rõ những thông tin trên, xử lý nếu có sai phạm.
Để làm rõ thông tin phim trường nghi của người Trung Quốc và những bí ẩn tại phim trường này, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với bà Nông Thị Minh Huệ, người được cho là chủ nhân của mảnh đất và công trình phim trường BBK trên.
Bà Nông Thị Minh Huệ cho biết, các giấy phép hoạt động, kinh doanh thì đầy đủ hết. Tuy nhiên, bà Huệ cũng thừa nhận trong số 8 nhà sàn thì chỉ sang tên được 4 nhà sàn còn 4 nhà nữa thuộc mảnh đất khác cũng do bà Huệ mua bằng giấy tờ viết tay, chưa có sổ đỏ nhưng đã xây dựng.
He lo bi an dang sau phim truong nghi cua nguoi Trung Quoc o Lang Son?
Phim trường BBK. 
“Hiện nay tôi nói rõ là chưa đủ thủ tục ở 4 cái nhà sàn nhưng chỉ là 4 cái khung nhà dựng lên từ các cột dựng lên, chưa làm thêm gì khác. Còn 4 cái tôi được cấp phép tôi đã làm vách rồi. Các thủ tục về kinh doanh hay thủ tục pháp lý liên quan đến người Trung Quốc, chúng tôi có đầy đủ các chứng từ, giấy tờ liên quan hợp pháp”, bà Huệ cho biết.
Bà Huệ cũng khẳng định phim trường BBK là phim trường của Việt Nam.
“Tôi là người kinh doanh và liên kết với Trung Quốc rất nhiều nên cũng có kêu gọi một số người bạn đầu tư. Phim đầu tiên tại phim trường này, tôi kết hợp với một doanh nghiệp trong TP HCM và họ có thuê những đạo diễn là người Trung Quốc và một số diễn viên là người Trung Quốc. Chứ tôi không làm việc trực tiếp với người Trung Quốc và công ty tôi không liên kết với người Trung Quốc. Họ đến phim trường và chúng tôi đều có giấy tờ xin phép đàng hoàng. Các hợp đồng liên quan tôi đã nộp hết lên trên UBND TP Lạng Sơn rồi”, bà Nông Thị Minh Huệ cho biết.
Chủ nhân của phim trường BBK cho biết, bà không xin làm dự án mà chỉ đăng ký kinh doanh làm phim trường và kinh doanh trên mảnh đất đó về hoạt động làm phim và đã xin phép trên Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn.
“Tôi không làm hẳn thành một dự án. Bây giờ tôi dựng một phim trường nên thì tôi cần gì phải cần đến hẳn một dự án. Bởi một dự án nếu làm được phải từ vài chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng. Tại Sở KH&ĐT tôi có lên xin phép nhưng chỉ là doanh nghiệp bình thường chứ không làm dự án. Doanh nghiệp được làm phim, sản xuất phim và bán phim”, bà Nông Thị Minh Huệ cho biết.
Bà Nông Thị Minh Huệ nói thêm, ngày 4/11, bà đã làm việc với các Sở, ban, ngành và UBND TP Lạng Sơn để làm rõ những vấn đề liên quan đến dự án trên.
Để làm rõ một số thông tin liên quan phim trường trên, chiều 5/11, PV Kiến Thức đã liên hệ với ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, ông Hà cho biết, PV đến cơ quan trao đổi trực tiếp mới trả lời chứ không thể nói qua điện thoại được.
Liên quan vụ việc trên, Báo Giao thông dẫn lời ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho biết, UBND TP Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ những vi phạm liên quan.
Hồ sơ vụ việc cho thấy, ngày 16/4/2013, bà Nông Thị Minh Huệ (trú tại số 463, đường Trần Đăng Ninh, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn) đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang đất ở tại nông thôn với diện tích là 1.014,6 m2 tại vị trí đất trên.
Ngày 25/7/2013, diện tích này đã được UBND TP Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1922/QĐ-UBND cho chuyển mục đích sử dụng đất. Quyết định do ông Bùi Văn Côi, Phó chủ tịch UBND TP Lạng Sơn thời điểm này ký, cho phép bà Huệ được chuyển đổi mục đích sử dụng với diện tích 1.014,6m2 từ đất trồng rừng sản xuất sang đất ở. Diện tích còn lại là 16.116,4m2 thì không có nhu cầu chuyển đổi.
“Qua kiểm tra hồ sơ và hiện trạng dự án phim trường trên cho thấy, công trình này chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng; sử dụng đất không đúng mục đích khi chỉ được chuyển đổi sang đất ở tại 4 vị trí nhưng thực tế cho thấy có gần 10 vị trí xây dựng”, ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn nói.
Báo Giao Thông cũng dẫn lời ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn (thời điểm ký quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho bà Huệ, ông Côi đang giữ chức Phó chủ tịch UBND TP Lạng Sơn) cho biết, thời điểm đó, hồ sơ là do Phòng TN&MT TP Lạng Sơn thẩm định, đề nghị cho phép hộ gia đình chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau đó, các đơn vị có căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Lạng Sơn để đề nghị cho phép bà Huệ được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng rừng sản xuất sang đất ở tại nông thôn từ năm 2013.
“Từ thời điểm cho phép chuyển đổi trên đến đầu năm nay, trong thời gian làm Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn, tôi không nghe thấy thông tin có dự án đầu tư phim trường, quán bar nào ở vị trí trên. Sở TN&MT sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ quá trình sử dụng đất, đầu tư dự án này”, ông Côi cho biết.
Trước đó, hồi cuối tháng 10 vừa qua, một cơ quan báo chí phản ánh, trên địa bàn thôn Rọ Phải xuất hiện một nhóm người Trung Quốc về mua gom đất rừng, xây cổng và tường bao xung quanh núi rồi dựng lên một dãy nhà sàn, chòi lá. Theo phản ánh, cuối năm 2018, khi công trình hoàn thành, người dân địa phương nhìn thấy nhiều người Trung Quốc thường xuyên tụ tập, qua lại khu vực này. Sau vài tháng rầm rộ ăn uống, hát hò, công trình thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, chỉ còn vài người thường xuyên lui tới đây vào ban đêm.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Phan Thanh Lương - Chủ tịch UBND xã Mai Pha xác nhận “thỉnh thoảng có một tốp người Trung Quốc đến tự sinh hoạt, nấu ăn rồi lại đi”.
Chủ tịch UBND xã Mai Pha cho biết, thời điểm khai trương, chủ cơ sở mời rất nhiều cán bộ trên địa bàn tới dự. Nhưng sau đó họ bỗng nhiên không hoạt động nữa, cũng không rõ vì sao lại như vậy. “Chính vì thế, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở này", ông Lương nói.
Kiến Thức tiếp tục thông tin vụ việc trên...
Xem thêm video: Người Trung Quốc mua nhà nhiều hơn người Việt.

Nguồn VTC Now.


Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)