Để đến được bãi tập kết hàng trăm tấn chất thải nguy hại chứa kim loại nặng tại thôn Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) phải qua cung đường ngộp thở bởi khói bụi bay mù mịt. Con đường liên xã lúc nào cũng tắc nghẽn những xe chở phế liệu, xe tự chế.
|
Đống chất thải nguy hại chất cao quá đầu người chạy dài hàng km. |
Cả làng Mẫn Xá gần như bị bao phủ bởi lớp khói đen kịt thải ra từ những ống khói của những lò tái chế phế liệu, lò đúc nhôm thủ công. Từ các nhà cạnh mặt đường đến trong làng tính ra phải đến ngàn ống khói tương đương với từng đó xưởng đúc nhôm thủ công từ phế liệu. Chúng hoạt động suốt ngày đêm và xả thải trực tiếp ra môi trường.
Nhiều người nói đến Mẫn Xá được thưởng thức thứ “đặc sản” từ mặt đất, nguồn nước, không khí, tiếng ồn đều ô nhiễm trầm trọng. Chính vì vậy mà người nơi khác đi qua khu làng nghề này có bịt khẩu trang kín mít vẫn ho sặc sụa.
Theo những người dân và chính quyền địa phương, nghề tái chế phế liệu, đúc nhôm có từ nửa thế kỷ nay. Đặc biệt, mỗi ngày có hàng ngàn lò đúc nhôm từ phế liệu thải ra nguồn nước hóa chất vô cùng độc hại và hàng tấn chất thải chứa kim loại nặng cũng từ các lò đúc nhôm được chở bằng xe tải, xe bác gác đổ trực tiếp ra cánh đồng rìa làng.
Người dân nơi đây vẫn gọi cánh đồng đổ chất thải nguy hại này là “cánh đồng chết”. Bởi cả một cánh đồng rộng lớn chỉ có cỏ dại mọc được, còn các loại cây trồng, hoa màu không thể sống sót.
Vào những hôm trời mưa cả cánh đồng nước đổi màu đặc quánh một màu đen kịt. Con đường dẫn ra lúc nào cũng nhầy nhụa, nhão nhoét từ các bao tải chứa chất bùn thải được buộc một cách hời hợt rơi vãi.
Cách con đường liên xã không xa, những con đường dẫn ra khu đổ hàng trăm tấn chất thải khá khuất. Người nơi khác đến không dễ gì phát hiện nếu không có người bản địa chỉ lối.
|
Hàng trăm tấn chất thải độc hại từ hàng ngàn lò đúc nhôm tủ công nằm sát khu dân cư. |
Theo quan sát của PV báo Người Đưa Tin, cả cánh đồng “chết” rộng lớn cỏ mọc hoang hóa, nhưng nổi bật và nằm chình ình thành hai hàng bao tải trắng đủ kích cỡ xếp chồng chất thành nhiều tầng lớp lên nhau chạy dài cả km. Nhìn từ xa nhiều người lầm tưởng đó là hai bờ đê bởi khối lượng và chiều cao của các tầng lớp chất thải nguy hại chưa qua xử lý.
Với hàng ngàn lò đúc nhôm tái chế mỗi ngày thì lượng chất thải vô cùng lớn. Vì vậy, có hộ đựng chất thải ra bao tải, nhưng cũng nhiều hộ trực tiếp cho lên thùng xe đổ trực tiếp ra cách đồng. Ngoài số lượng “khủng” bao tải chất đống, “cánh đồng chết” còn có nhiều “núi” chất thải do người dân đổ từ nhiều năm nay.
Trao đổi với PV, anh Trần Đạt (SN 1985, Bắc Ninh) từng làm công nhân ở đây bật mí: “Lò đúc nhôm thủ công ở Mẫn Xá rất đơn giản. Họ dùng những nồi gang có đường kính khoảng 70 cm, sâu 60 cm và đun bằng than kíp-lê. Bỏ phế liệu như vỏ lon bia, nước ngọt, dây điện, nhôm phế liệu vào nồi gang đun đến nóng chảy và sôi như nước thì họ sẽ đổ túi hóa chất vào bên trong nồi.
Những cặn đen, bẩn và hóa chất độc hại sẽ nổi lên trên. Còn lại nhôm nguyên chất phía dưới. Họ sẽ vớt số cặn bẩn bên trên để nguội rồi đóng vào bao tải hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường. Chất thải này giống như bùn khi gặp nước và bụi bẩn như tro bụi khi khô có mùi rất hắc”.
Cũng theo anh Đạt và thực tế PV tìm hiểu, việc đột nhập vào các lò đúc nhôm và tái chế phế liệu ở Mẫn Xá là một điều không thể. Nhà nào cũng cổng kín, cao tường và quây kín như những lô cốt. Những lò đúc và tái chế phế liệu này luôn có một vài công nhân túc trực như canh phòng. Chỉ cần thấy người lạ mặt lảng vảng, có biểu hiện nghi ngờ là bị “hỏi thăm” ngay.
“Nhiều năm nay cả làng nhà nào cũng đổ chất thải từ các lò đúc nhôm ra môi trường. Ngày càng nhiều nhà làm nên lượng chất thải ngày càng lớn. Biết là độc hại, nhưng không biết làm sao bởi nhà nào cũng làm thì nói được ai. Mạnh nhà nào nhà đó đổ”, một người dân nói.
Được biết, thôn Mẫn Xá là một trong mười làng ung thư đã bị bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ô nhiễm nghiêm trọng trong một dự án đã được triển khai. Và mỗi năm số người mắc bệnh ung thư tăng một cách chóng mặt. Tỷ lệ cao trẻ em mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa.
>>> Mời quý độc giả xem video Ý thức xả rác bừa bãi trên bãi biển (nguồn Youtube):