Dự kiến từ nay đến năm 2030, Hà Nội đạt mục tiêu chuyển đổi xe buýt chạy dầu diesel sang chạy xe buýt xanh, đạt từ 70 - 90%. Đến giai đoạn từ năm 2031 đến năm 2035, mục tiêu sẽ là 100% xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe buýt điện.
Cụ thể, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện và năng lượng xanh. Đây là một phần trong nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội tại thủ đô.
Theo đề án này, từ năm 2026 đến 2030, Hà Nội sẽ có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt chạy bằng LNG (khí dầu mỏ hóa lỏng) hoặc CNG (khí thiên nhiên có thành phần chính là CH4 - metan, được xem là nguồn năng lượng sạch), với tổng kinh phí dự kiến là 43.000 tỷ đồng
Các tuyến xe buýt trong khu vực đô thị trung tâm (trong vành đai 4) sẽ được chuyển đổi sang chạy điện. Các tuyến xe buýt mới sẽ ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện và năng lượng xanh. Ngoài ra, tất cả các xe buýt chạy dầu diesel đã hết khấu hao và hết hạn thầu sẽ được thay thế.
Đối với các xe buýt còn khấu hao dưới 10 năm từ ngày sản xuất sẽ được sử dụng đến hết khấu hao trước khi chuyển sang xe buýt xanh. Trong giai đoạn từ 2024 đến 2030, tỉ lệ chuyển đổi xe buýt chạy dầu diesel sang xe buýt xanh dự kiến đạt từ 70-90%, và đến giai đoạn từ 2031-2035, mục tiêu là 100% xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe buýt điện.
Hiện tại, Hà Nội dành khoảng 2.300 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm.
Việc chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt tại Hà Nội sang sử dụng xe buýt điện và năng lượng xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng, tạo nên một hệ thống giao thông bền vững và hiệu quả hơn cho thủ đô.
|
Dự kiến,, trong những năm tới, Hà Nội mở thêm nhiều tuyến xe buýt điện |
Theo ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), thành phố hiện có 1.905 xe buýt trợ giá với 281 xe dùng năng lượng sạch (139 xe CNG và 142 xe buýt điện) và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên. Đến nay, hoạt động của các tuyến buýt điện góp phần giảm 36.000 tấn CO2.
Các tuyến buýt đóng vai trò kết nối với các tuyến đường sắt đô thị, hình thành một mạng lưới giao thông công cộng liền mạch, linh hoạt trên địa bàn TP, tạo thuận lợi nhất có thể cho người dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cận cảnh xe điện gấp gọn của Honda vừa ra mắt, chỉ to cỡ vali xách tay: