Những ngày qua, người dân ở ấp 17, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu bất bình trước sự việc một cây cầu được xây dựng từ kinh phí ngân sách nhà nước nhưng lại được đặt tên khó hiểu, trùng với tên Phó chủ tịch xã Nguyễn Văn Nguyên.
|
Cầu "Ông Nguyên" được cho là lấy tên của Phó Chủ tịch UBND xã để đặt, gây bức xúc cho người dân. |
Phản ánh với PV Kiến Thức, một người dân (ngụ ấp 17, xã Vĩnh Bình) bức xúc: “Tôi là người dân sống ở đây hơn 15 năm qua, cây cầu này trước đây không có tên cụ thể, người dân hay gọi là cầu Đình vì ở đầu cầu có cái đình, hay cầu Ông Côn vì ông Côn là người cao niên ở đây, hơn nữa, nhà ông Côn cũng ở cạnh bên cây cầu này, thậm chí dòng sông này cũng được người dân hay gọi là sông Sáu Côn”.
Còn theo ông V. (xã Vĩnh Bình), sau khi cây cầu mới được xây xong, được đặt tên là cầu “Ông Nguyên”, khiến không ít người dân nơi đây bức xúc, vì ông Nguyên còn trẻ tuổi, chưa có công trạng gì lớn.
Theo người dân trong xã, cầu "Ông Nguyên" chắc chắn là lấy tên từ ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch xã này. Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có bề rộng 4,4m; chiều dài là 22m, với tải trọng thiết kế là 3 tấn.
Trước phản ánh của người dân, PV Kiến Thức đã liên hệ với chính quyền địa phương nhằm làm rõ vụ việc. Ông Huỳnh Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình cho biết trước đây, cây cầu cũ không có tên, sau khi cầu mới xây dựng xong được đặt tên tạm là cầu “Ông Nguyên”.
Về lý do chọn tên ông Nguyễn Văn Nguyên, ông Phong lý giải “vì đất của ông Nguyên chạy dài tới đường kênh đến chỗ cây cầu, nên lấy tạm tên ông Nguyên để mọi người gọi cho biết, chứ thật sự không phải tên đó. Hơn nữa, vì nhà ai gần đó, thì người ta kêu vậy thôi”.
Theo ông Huỳnh Văn Tính, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Bình, cầu “Ông Nguyên” thuộc công trình đầu tư lộ giao thông nông thôn hàng năm của huyện, do BQL đầu tư và xây dựng các công trình cơ bản của huyện làm chủ đầu tư, với tổng vốn trên 900 triệu đồng (ngân sách của huyện). Công trình được hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
“Tên gọi mới là do xã quen gọi vậy, còn tên cầu là do xã đề xuất, huyện không biết. Vừa rồi, huyện có chấn chỉnh lại việc đặt tên công trình phải gắn liền với lịch sử của địa phương, hoặc người cao niên hay người có công với cách mạng”, ông Tính cho biết.
Ông Tính cho biết thêm: “Trước phản ánh của người dân, huyện sẽ làm việc lại với xã Vĩnh Bình để thống nhất đặt tên cầu làm sao cho phù hợp và hài hòa. Huyện sẽ đề nghị xã họp dân rồi thống nhất đặt tên. Hiện, cầu chưa gắn tên nhưng trong hồ sơ thiết kế thể hiện tên cầu là cầu”.
Khi đề cập đến hình ảnh cây cầu đã gắn bảng tên “Ông Nguyên”, ông Tính cho biết sẽ làm việc lại với xã Vĩnh Bình vì khi đặt tên cầu phải gắn liền với địa danh, với những người có công với cách mạng, những anh hùng.