Liên quan hàng loạt biệt thự, trang trại xây dựng không phép trên núi, dưới bìa rừng Hải Vân (Tiền Phong đăng ngày 11/12), ông Võ Duy Khương – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay “Bây giờ đang họp HĐND, sau này thành phố sẽ cho kiểm tra vấn đề này”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên hôm 11/12, ông Võ Duy Khương – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, ngay thời điểm này ông chưa thể trả lời được câu hỏi về việc hàng loạt biệt thự xây không phép trên rừng Hải Vân như báo chí nêu mà cần phải có kiểm tra, phải có báo cáo từ các ngành, các cấp và địa phương liên quan. “Bây giờ đang họp HĐND, sau này thành phố sẽ cho kiểm tra vấn đề này” – ông Khương nói. Trước đó, cả Bí thư Thành ủy Trần Thọ cũng như Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khi trả lời báo chí đều cho hay mới chỉ nắm vấn đề qua báo nêu chứ chưa nắm kỹ.
|
Biệt phủ nguy nga này là của ai - ông Phan Như Thạch hay ông Ngô Văn Quang? |
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại rừng Hải Vân, vợ chồng anh Nguyễn Như Tiến có trang trại sản xuất, nuôi hươu ở cùng vệt với biệt thự gia đình tướng Phan Như Thạch mấy năm nay thường xuyên bị chính quyền phường Hòa Hiệp Bắc và quận Liên Chiểu kiểm tra, bắt tháo dỡ những công trình mà chính quyền cho rằng xây dựng trái phép. Một lãnh đạo quận Liên Chiểu cho hay, ở đây không phải là câu chuyện mạnh tay với dân, bỏ qua nhà “tướng công an” mà là đã nhiều lần xử lý nhà ông Thạch nhưng sau đó chuyện đâu vào đấy. Đại biểu Trần Văn Lĩnh cho rằng, qua câu chuyện này, cần phải ngay lập tức có hướng xử lý mạnh tay, quyết liệt với những trường hợp cố tình xây biệt thự không phép để tránh dư luận cho rằng “mạnh tay với dân mà ưu ái cán bộ”.
Biệt phủ nguy nga của ai?
Như Tiền Phong đã thông tin, gia đình ông Phan Như Thạch (Thiếu tướng, GĐ Công an tỉnh Quảng Nam, vừa nghỉ hưu tháng 9/2014) xây biệt thự ở bên đường công vụ từ QL1A vào hầm Hải Vân, trên diện tích theo như giấy tờ gia đình cung cấp là hơn 3 ngàn m2 (nhiều thông tin cho rằng hơn 17 ngàn m2). Ngoài ra, từ những năm 1999, gia đình ông Thạch cũng vào mua đất ở rừng đặc dụng Nam Hải Vân với diện tích 1,5 hécta, chính là khu đất hiện nay đang sừng sững ngôi biệt phủ nguy nga, phía sau Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu. Theo anh Phan Vũ Việt Hùng, con ông Thạch – mảnh đất này đã được bán cho ông Ngô Văn Quang (chủ một Cty khai thác vàng ở Quảng Nam) từ năm 2009, đến nay không còn liên quan.
Trả lời vấn đề này, ông Phan Thế Dũng – người vừa mới rời chức Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu lên làm Trưởng BQL rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa (thay ông Phạm Ngọc Sự liên quan đến vụ phá rừng Bà Nà – Núi Chúa vừa rồi) cho rằng, trách nhiệm để dân chuyển nhượng, mua bán đất rừng này thuộc về BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân (nay đã giải thể). Ông Dũng cho hay, ông không biết khu đất xây biệt phủ là của ai, song năm 2011, khi Hạt lên kiểm tra, tất cả giấy tờ, văn bản liên quan đều thấy đứng tên ông Phan Như Thạch.
“Tôi chả biết ông Quang là ai, khu đất này chúng tôi lên kiểm tra mấy lần, rồi đề nghị chính quyền địa phương xử lý 3 – 4 lần gì đó. Giấy tờ mang tên ông Phan Như Thạch”. Hỏi kết quả xử lý thế nào, ông Dũng nói không biết vì đó là trách nhiệm của chính quyền. Vậy biệt phủ nguy nga nằm trên diện tích hơn 2 hécta rốt cuộc là của ai? Con trai ông Thạch, anh Phan Vũ Việt Hùng, giải thích: “Năm 2009 gia đình tôi bán cho ông Quang, có giấy viết tay đàng hoàng. Còn cái giấy gốc mua từ người dân đứng tên cha tôi thì do tin tưởng nhau nên hiện vẫn do ông Quang nắm giữ. Ông Quang còn mua nhiều người dân khác xung quanh, ai không tin lên kiểm tra thì rõ”.
Ông Phan Thế Dũng khi được hỏi về trách nhiệm quản lý rừng cho hay, loại rừng đó hiện Hạt Kiểm lâm không quản lý nữa mà là địa phương. “Tôi nhớ là khoảng tháng 10/2013, địa phương đã quản lý loại rừng đó rồi. Chúng tôi chỉ quản lý hơn 1 ngàn hécta rừng đặc dụng thôi. Cái đó anh phải hỏi địa phương”. Trong khi đó, ông Trương Việt – Chủ tịch phường Hòa Hiệp Bắc thì nói, trách nhiệm thuộc Hạt Kiểm lâm vì hiện Hạt vẫn chưa bàn giao 1.600 hécta đất rừng sản xuất và đất khác, trong đó biệt thự ông Thạch và ông Quang nằm trong khu này.
Đa số lãnh đạo, nhiều đại biểu HĐND khi được phóng viên tiếp xúc, đặt vấn đề này đều ngại trả lời và cho rằng, đây là chuyện “nhạy cảm”, cần phải nắm kỹ mới nói.