Đi ngang con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ (phường 1, Tân Bình, TP.HCM), bất chợt chúng tôi nhìn thấy chị. Bên chiếc máy may để ngay cửa ra vào, chị miệt mài làm việc. Hết Tết, nhưng điểm vá, sửa quần áo của người phụ nữ này vẫn đông khách.
Căn nhà chị quá hẹp, đến nỗi không còn chỗ để lách mình vào trong. Quần áo của khách, của gia đình chị lẫn trong mớ ve chai nằm ngổn ngang khắp nhà. Đó là số phế liệu hàng xóm cho chị. Chị gom lại để dành rồi bán kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Chị là Lê Thị Thật, 55 tuổi, bị hở 2 van tim từ nhiều năm nay. Thêm vào đó, chị đã trải qua phẫu thuật khối u tử cung nên sức khỏe rất kém. Chị cho biết, đang may như thế nhưng khi lên cơn đau tim, chị phải nằm xuống ngay tại chỗ.
|
Chị Thật sửa đang quần áo cho khách. |
Chị tiếp tục may. Tiếng máy chạy đều êm tai bỗng dừng lại bởi tiếng gọi nhỏ: "Thật ơi!". Chị ngưng việc, đứng dậy và đi vào trong.
Trên chiếc giường rộng có song sắt chắn ngang, một bà cụ đang nằm với đôi mắt nhắm nghiền. Trên trán bà còn vài miếng dán.
Đấy là mẹ của chị, bà Mai Thị Thu, năm nay đã 87 tuổi. Những năm trước, sức khỏe bà còn ổn nhưng gần đây, sau khi bị ngã gãy chân, bà không đi được, phải nằm một chỗ.
Không may, bà lại bị khối u vòm họng. Sau cuộc phẫu thuật, bà phải nhổ bỏ cả hàm răng để xạ trị. Giờ thì bà không còn răng để nhai nên con gái phải làm loãng thức ăn để bón cho mẹ.
|
Chị Thật bón cho mẹ ăn. |
Chị đỡ bà nằm cao lên, để đầu mẹ dựa vào tường. Tay chị bưng một tô thức ăn lỏng và đút từng muỗng. Bà ăn thật ngon. Được một lát, bà ngưng, chị Thật phải dỗ dành: "Má ăn giỏi nghen. Má ăn giỏi con mới thương!"
Nghe chị nói với mẹ, tôi biết, chị hiểu tâm lý người già luôn muốn được dỗ dành, muốn được yêu thương như con trẻ.
Chị Thật tâm sự với chúng tôi, từ khi lọt lòng mẹ đến giờ, chị luôn quấn quýt bên bà. Những giai đoạn vui buồn, sóng gió của cuộc đời, chị luôn có mẹ bên cạnh an ủi, yêu thương.
Chị cũng đã có một đời chồng, nhưng bi kịch cuộc đời đã cướp đi hạnh phúc của chị. Khi chị mang thai đứa con đầu thì lòng anh mất. Cái thai cũng không giữ được nên giờ chị chỉ còn mỗi mẹ.
Ngôi nhà chị ở trước đây rộng lắm. Chị kể, có lần mẹ chị bệnh nặng không có tiền chạy chữa, chị phải vay nóng bên ngoài. Từ 40 triệu tiền gốc, sau đó cả gốc lẫn lãi tăng lên đến 300 triệu đồng. Túng quẫn, họ phải cắt để bán bớt căn nhà, giờ nó chỉ còn vỏn vẹn hơn 10m2.
Chị kể thêm: "Sinh hoạt hàng ngày của mẹ tôi đều làm tại chỗ. Việc ăn uống, tắm giặt, vệ sinh đều trên giường vì bà không còn đi đứng được. Cũng khó khăn lắm nhưng tôi cố gắng rồi cũng xong...".
|
Những người hàng xóm luôn đến bên chị. |
"Chị ơi, cho lấy cái áo". Nghe tiếng gọi, chị bước ra và giao áo cho khách. Tiền công sửa chiếc áo đó chỉ vỏn vẹn 20 ngàn. Chị cầm tiền rồi lại vào lại với mẹ.
Mỗi ngày, chị làm được khoảng 70 - 80 nghìn đồng nhưng vẫn không lo nổi chi phí cho cả 2 mẹ con. Bà con hàng xóm cảm thông cho hoàn cảnh khó khăn của họ, người giúp món này, người cho món nọ. Nhờ vậy, họ cũng sống được qua ngày.
Chị chia sẻ: "Mọi việc tôi đều có thể lo cho mẹ được. Bao nhiêu năm nay rồi tôi vẫn cố gắng vậy nhưng đến giờ lớn tuổi, tôi mới cảm thấy đuối sức".
Chị nói thêm: "Dù khổ mấy tôi cũng chịu được miễn lúc nào cũng có má bên cạnh. Tiếc là công việc của tôi bấp bênh quá...".
Nghe chị nói, trong lòng tôi xót xa vô cùng cho cuộc đời bất hạnh của chị.