Sau khi khống chế được Bạch Hải Đường, hai tổ công tác đặc biệt của Thị đội Long Xuyên coi như đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng để có được một chiến công xuất sắc như thế, các trinh sát của Thị đội đã bỏ ra ba năm trời theo dấu Bạch Hải Đường từ khi hắn trốn khỏi trại giam. Để lần theo dấu vết của con cáo già này thật không dễ dàng, nếu không muốn nói là gần như theo… bóng chim tăm cá.
Đêm 22/3/1980 vẫn còn ghi đậm dấu ấn đối với những trinh sát Thị đội, đặc biệt là các anh em có nhiệm vụ đeo bám, truy lùng hắn khắp mọi địa bàn. Khi bập được chiếc còng số tám vào hai cổ tay Bạch Hải Đường các trinh sát mới nhẹ nhõm. Và lúc bấy giờ họ mới dám mơ đến một giấc ngủ ngon.
|
Đồng chí Lê Trường Thanh diễn tả lại cách bắt Bạch Hải Đường. |
Tướng cướp lại lập thành tích vượt ngục
Bạch Hải Đường sau đó được dẫn giải về bàn giao cho công an tỉnh An Giang. Hắn bị giam chung buồng với bốn đối tượng khác. Do là đối tượng nguy hiểm đặc biệt nên cả lẫn ngày đêm hai tay Bạch Hải Đường luôn bị còng và hai chân bị cùm trừ những lúc ăn uống hay phải đi vệ sinh. Một chân Bạch Hải Đường còn bị "ăn" ba viên đạn. Những vết thương này chỉ trúng ở phần mềm nên không nguy hiểm đến tính mạng và y tế nhà giam đã tập trung chữa trị cho hắn. Đến lúc cả ba vết thương kéo da non, có dấu hiệu ổn định. Trong lúc ai cũng tưởng Bạch Hải Đường chịu ăn cơm trại giam, "ngoan ngoãn" chữa lành thương tật và ăn năn hối cải thì đùng một cái, hắn trốn trại như có phép thần thông.
Đó là một đêm giữa tháng 5/1980, chỉ sau ba tháng bị bắt giam, lợi dụng lúc trời mưa, Bạch Hải Đường đã đào thoát cùng với bốn đối tượng giam cùng phòng. Tin tên tướng cướp "huyền thoại" vượt ngục không chỉ làm cán bộ, chiến sĩ quản giáo trại giam hết sứ bất ngờ mà lãnh đạo các phòng, ban nghiệp vụ công an tỉnh khi đến hiện trường để khảo sát cũng không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tại sao trong lúc Bạch Hải Đường hai tay, hai chân đều bị còng, bị cùm, một chân còn mang thương tích. Hơn nữa, buồng giam rất kiên cố mà hắn có thể đục một lỗ hổng lớn trên bức tường rồi cùng bốn can phạm khác đào tẩu. Thậm chí, trước khi hắn bỏ lại còng và cùm chân nằm chỏng chơ còn ngạo mạn viết lên tường dòng chữ: "Nơi đây không phải là nơi dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đường-tức Truyện".
Tất nhiên để "sổng" Bạch Hải Đường là sơ suất của cán bộ, chiến sĩ quản lý trại giam nhưng cả lực lượng công an tỉnh cũng không thể ngồi yên. Bởi lần này vượt trại, Bạch Hải Đường sẽ cực kỳ cảnh giác và rất nguy hiểm. Không dễ gì bắt lại được hắn, ít nhất cũng trong thời gian ngắn. Lãnh đạo công an tỉnh An Giang đã tổ chức nhiều cuộc họp với các phòng, ban nghiệp vụ để bàn kế hoạch truy lùng Bạch Hải Đường và gần như toàn bộ trinh sát giỏi, có kinh nghiệm đều được tập trung làm nhiệm vụ này. Một nhiệm vụ khẩn cấp vì để tên tướng cướp ngoài vòng pháp luật ngày nào thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Lúc đó đồng chí Nguyễn Thanh Sang là trưởng phòng CSHS và đồng chí Phạm Thanh Sơn là đội trưởng Đội trọng án và các trinh sát ở mũi chủ công đều thống nhất nhận định: Nếu chưa tìm ra tung tích của tướng cướp thì trước mắt tập trung truy bắt bằng được bốn đối tượng trong vụ vượt trại cùng Bạch Hải Đường. Trong số bốn đối tượng này chắc chắn sẽ có kẻ biết manh mối về Bạch Hải Đường. Đây là cái "tay nắm" để đẩy bật cánh cửa tìm ra tung tích của tên cướp nguy hiểm này.
Nhờ thống nhất nhận định, đi đúng hướng và bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, trong một thời gian ngắn, tên "Chỉ" (vì lý do nghiệp vụ nên đổi tên-PV), một trong bốn đối tượng đào tẩu cùng Bạch Hải Đường trong đêm đó đã bị tóm cổ. Khai thác Chỉ may mắn là hắn đã "phun" ra nơi lẩn trốn của Bạch Hải Đường.
|
Những sĩ quan công an, quân đội tham gia bắt giữ Bạch Hải Đường những năm 1980. |
Vị khách bất ngờ
Người được giao nhiệm vụ nặng nề đi bắt Bạch Hải Đường không ai khác hơn là đồng chí Phạm Thanh Sơn, đội trưởng Đội trọng án. Đồng chí Sơn là người rất giỏi võ và có sức khỏe cực tốt, phản ứng nhanh, tính cách quyết liệt. Sơn chọn ra hai trinh sát thiện nghệ là Lê Trường Thanh và Nguyễn Trường Sơn. Cả ba đều hiểu tánh, ý nhau và đã cùng kề vai sát cánh trong công tác nên có sự phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ nhau rất tốt. Tổ công tác ba người này trang bị súng ngắn, cơ số đạn đầy đủ, cùng với một tài xế và tên Chỉ, người dẫn đường. Họ nhanh chóng xuất phát bằng ô tô về hướng Sóc Trăng. Đó là ngày 25/7/1980.
Chiều hôm đó, lúc 3h, xe ô tô công tác chở tổ truy bắt Bạch Hải Đường dừng ở một địa điểm bí mật. Rồi tên Chỉ đi một mình tiến vào căn nhà nằm ở ngoại ô TX.Sóc Trăng ẩn sâu trong một vườn cây um tùm. Ở góc vườn có một thanh niên mắc võng nằm đong đưa có vẻ nhàn hạ. Hình như gã này đang thiu thiu ngủ dưới bóng mát của tán cây. Ông anh rể của Bạch Hải Đường đưa tên Chỉ vào rồi cúi thấp bên võng, ghé tai Bạch Hải Đường nói: "Có khách tới chơi nè Truyện, dậy mau đi!". Nghe thấy thế, Bạch Hải Đường ngồi dậy, vừa kịp nhận ra "ông anh" kết nghĩa trong tù. Hắn tay bắt mặt bừng rồi hai người ôm nhau thắm thiết, chứng tỏ họ có mối quan hệ khá thân tình. Hàn huyên được một lúc, Bạch Hải Đường nhờ ông anh rể làm vài món nhậu để hắn lai rai với ông anh đã lâu không gặp. Nhưng tên Chỉ khoát tay: “Thôi khỏi phiền gia chủ, tôi với chú kéo nhau ra quán lai rai tâm sự thoải mái hơn”.
Bạch Hải Đường thay quần áo rồi đi với tên Chỉ ra ngoài đường tìm một ngôi quán không xa nhà của ông anh rể để nhậu. Tên tướng cướp mưu mô rất cảnh giác. Dù rất tin tưởng ông anh kết nghĩa trong tù nhưng vẫn không dám đi xa nơi địa bàn mà hắn không quen thuộc. Vừa ngồi xuống ghế, mồi kêu chưa kịp mang ra, hắn đã linh tính thấy điều gì nên đảo mắt quan sát một vòng và nhấp nhổm người muốn đứng lên. Lúc này từ phía bên kia đường ngay trước cửa quán thượng úy Phạm Thanh Sơn nhìn sang cũng phát hiện ra bộ điệu của Bạch Hải Đường. Thấy vậy, thượng úy Sơn ra hiệu cho trinh sát Lê Trường Thanh băng nhanh qua đường. Vừa lao sang trước cửa quán, Phạm Thanh Sơn vừa móc súng chĩa về phía Bạch Hải Đường hô khẩu lệnh: “Bạch Hải Đường, đưa tay lên. Mày đã bị bắt!”.
Bạch Hải Đường phản xạ rất nhanh. Hắn xô ghế, đảo người phóng về hướng cửa sau của quán. Đã quan sát trước ngôi quán nên Lê Trường Thanh biết cửa sau không có lối thoát nên anh đưa khẩu súng của mình cho Phạm Thanh Sơn để rảnh tay ôm vật với tướng cướp. Khi Lê Trường Thanh lao tới, Bạch Hải Đường đảo người sử dụng liên hoàn cước ngăn chặn đối thủ, Lê Trường Thanh gồng mình hứng đòn. Mặc dù nhận mấy cú đá nhưng đồng chí Thanh vẫn tiếp tục lao tới húc thật mạnh vào bụng Bạch Hải Đường khiến hắn té sấp, đập đầu vào cái lò nấu trấu của quán. Cú đập đầu khiến hắn loạng choạng nhưng rồi gượng dậy được ngay và tiếp tục quần thảo với Lê Trường Thanh. Bị Thanh ôm cứng nhưng Bạch Hải Đường vẫn nhanh chóng ra đòn quyết liệt để thoát thân. Trong khi đó Lê Trường Thanh cũng quyết bắt bằng được Bạch Hải Đường nên càng ôm chặt hắn từ phía sau, cố xoay mặt Bạch Hải Đường về phía Phạm Thanh Sơn và la lớn: "Anh Sơn cứ bắn thẳng, không để hắn thoát được. Đừng lo cho tôi".
Nhưng Phạm Thanh Sơn đang trong tư thế hai tay cầm hai khẩu súng ngắn, ở cự ly rất gần, nếu bắn Bạch Hải Đường thì Lê Trường Thanh cũng "dính" đạn nên lúng trúng tìm vị trí thích hợp và cơ hội vàng để viên đạn đi trúng đích mà không làm Lê Trường Thanh bị thương, thậm chí hy sinh. Phạm Thanh Sơn hai tay hai súng, hơi khuỵu chân trước xuống làm điểm tựa, khẩu súng bên tay phải cũng chếch một góc. Đợi Lê Trường Thanh hô bắn tiếng thứ ba, Sơn siết cò…bốn phát đạn bay ra. Bạch Hải Đường gục xuống.