Sau 5 ngày xét xử Trương Hồ Phương Nga (còn gọi là Hoa hậu Phương Nga, 30 tuổi, ngụ TP.Hà Nội), Nguyễn Đức Thùy Dung (28 tuổi, ngụ TP.HCM) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, đồng thời quyết định cho 2 bị cáo tại ngoại. Tuy nhiên, dư âm vẫn còn đó bởi có nhiều chi tiết khó quên xoay quanh phiên tòa này.
1. Phương Nga khôn khéo dùng "quyền im lặng"
Trong phiên tòa sơ thẩm lần 2 này (phiên tòa lần 1 diễn ra ngày 21/9/2016), Hoa hậu Phương Nga đã sử dụng triệt để "quyền im lặng". Trong hai ngày xét hỏi đầu tiên, Phương Nga đã im lặng trước những câu hỏi của HĐXX, VKS, thậm chí cả luật sư bào chữa. Dù VKS hay luật sư phía bị hại công bố các chứng cứ có phần bất lợi cho cô, nhưng cô vẫn im lặng và yêu cầu các bên tôn trọng quyền này của bị cáo. Lý do im lặng được Phương Nga tuyên bố “không tin vào cơ quan điều tra, VKS càng không tin”.
|
Bị cáo Phương Nga và Thùy Dung tươi cười khi được cho tại ngoại. Ảnh: VNN |
Nhưng cuối cùng cô cũng lên tiếng đúng lúc vào ngày 26/6. Tại tòa, cô bình tĩnh, tự tin trả lời các câu hỏi, đối đáp một cách cứng rắn với phía luật sư của ông Cao Toàn Mỹ. Thậm chí không ít lần cô còn vặn lại luật sư của ông Mỹ. Phần trả lời của cô nhận được nhiều lời tán dương, ngay tại phòng xử cũng xuất hiện nhiều tiếng vỗ tay cho bị cáo này.
2. E ngại Cơ quan điều tra
Mặc dù đều cho rằng phía đối phương có mối quan hệ, quen biết rộng, sợ gây bất lợi cho mình, nhưng cả Phương Nga và ông Mỹ đều khẳng định tại tòa rằng sợ Cơ quan điều tra, trong đó sợ nhất là bị hủy chứng cứ. Thậm chí Phương Nga còn cho rằng không hề tin vào Cơ quan điều tra, đồng thời cô khai cán bộ điều tra trong lúc lấy lời khai của cô còn dọa treo cô lên khi thấy cô cứ giữ im lặng.
Bất ngờ hơn, trong phần xét hỏi, luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho Phương Nga) đã đưa ra một chứng cứ về bản ghi lời khai của bị hại Cao Toàn Mỹ ngày 9/9/2014 và lời khai của Trương Hồ Phương Nga ngày 29/9/2014. Mặc dù lời khai của hai người khác nhau và thời điểm khác nhau, nhưng hai biên bản này lại trùng khớp với lời khai nhận của Nga tới từng dấu chấm, phẩy và có chỗ trùng luôn cả đại từ nhân xưng “tôi (Mỹ)” và “tôi (Nga)”.
3. Thư bằng nilông gửi từ trại giam
Trong số các chứng cứ được cung cấp tại phiên tòa, đáng chú ý là 5 bức thư bằng nilông giữa Nguyễn Đức Thùy Dung và người yêu - nhân chứng Lữ Minh Nghĩa. Nghĩa khai rằng những bức thư này được Dung gửi từ trại tạm giam ra ngoài, thông qua một cán bộ quản giáo. Ngoài 5 bức thư bằng nilông này, Nghĩa khai nhân chứng Nguyễn Mai Phương còn giữ một số bức thư khác.
Riêng Thùy Dung khai nhận tổng cộng có khoảng 10 bức thư được Dung viết và chuyển ra ngoài. Để có những bức thư này, Dung đã gom những bọc nilông đựng đồ ăn lại rồi dùng chỉ mềm cắt những bọc nilông thành từng mảnh như khổ giấy A4. Sau đó bị cáo bẻ gãy đầu bàn chải, mài nhọn để làm bút viết lên các tấm nilông. Nội dung các bức thư nói về tinh thần của Dung, sự lo lắng của Dung, mối quan hệ Phương Nga - Cao Toàn Mỹ. Viết thư xong, Dung xếp lại chờ sáng hôm sau cán bộ quản giáo đến lấy thư chuyển đi. Việc chuyển thư được thực hiện thông qua một lỗ nhỏ ở phòng giam.
4. Nhân chứng bí ẩn được “đặc cách” ngồi phòng kín
Trong vụ án, người ta đã đặt nghi vấn rằng "người đàn bà bí ẩn" Nguyễn Mai Phương này chính là “đạo diễn” trong vụ án, khi các lời khai của Phương Nga, Thùy Dung và nhân chứng Lữ Minh Nghĩa, Nguyễn Văn Yên hay người liên quan Hồ Mai Phương (mẹ Phương Nga) đều cho rằng bà có liên quan.
Cụ thể, Thùy Dung khai chính bà Mai Phương đưa tờ giấy A4 có viết hướng dẫn lời khai sẵn để Dung, Nga khai theo khi làm việc với Cơ quan điều tra. Còn Phương Nga khẳng định bà Nguyễn Mai Phương chính là người hướng dẫn Nga làm các giấy tờ giả liên quan đến việc mua bán nhà giữa Nga và ông Mỹ. Còn Lữ Minh Nghĩa xác nhận gặp bà Nguyễn Mai Phương hai lần, đồng thời hỗ trợ Nghĩa, Dung trong việc chuyển các thư.
Dù nhân chứng Nguyễn Mai Phương khẳng định không quen biết ông Mỹ, nhưng bà Hồ Mai Phương thông tin từng bắt gặp nhân chứng đó đứng nói chuyện với người bên ông Mỹ trong giờ nghỉ trưa của phiên tòa sơ thẩm lần 1 (21/9/2016).
Đáng chú ý, khi đến tòa, nhân chứng Nguyễn Mai Phương xin được giấu mặt, trả lời từ phòng kín và được HĐXX chấp thuận. Điều này dẫn đến nhiều tranh cãi trong giới luật sư, thậm chí một nguyên cán bộ TAND TP.HCM cho rằng suốt 30 năm xét xử ông chưa từng áp dụng trường hợp này.
Chủ tọa Vũ Thanh Lâm giải thích rằng bà Nguyễn Mai Phương có văn bản đề nghị HĐXX, VKS cho phép bà được cách ly ở phòng khác. HĐXX đã chấp thuận vì bà có các quyền của người làm chứng được quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự. Quá trình xét hỏi bà Phương có ghi âm, ghi hình để đảm bảo tính khách quan. HĐXX phiên tòa đề nghị các cán bộ phụ trách kỹ thuật trích dẫn ghi âm cuộc xét hỏi bà Nguyễn Mai Phương để phục vụ điều tra.
5. Nhiều chứng cứ tuyệt mật
Suốt những ngày diễn ra phiên tòa, các luật sư và nhân chứng đã cung cấp những chứng cứ cho HĐXX từ trích đoạn ghi âm, bản chụp nội dung "hợp đồng tình ái", các tài liệu liên quan đến vụ án… Đáng chú ý, một số chứng cứ được luật sư của Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ cung cấp, nhưng cho rằng đó là chứng cứ quan trọng ảnh hưởng nhiều người, nên yêu cầu giữ bí mật. Còn ông Mỹ cũng cho biết có đoạn ghi âm nhưng lại đụng chạm rất nhiều người, chỉ có thể cho HĐXX xem riêng chứ không dám công bố ra ngoài.
Chủ tọa thông báo các chứng cứ được cung cấp tại tòa sẽ được kiểm tra lại để xem đâu là chứng cứ của vụ án, có một số tài liệu, chứng cứ có nội dung không liên quan đến vụ án, nguồn chứng cứ không được xác định thì không được xem là chứng cứ của vụ án. Trong phiên tòa ngày 29/6, HĐXX yêu cầu các luật sư, người làm chứng giao nộp các chứng cứ và niêm phong lại để phục vụ các tiến trình tố tụng tiếp theo trước sự chứng kiến của đại diện VKSND TP.HCM.
7. Chứng cứ buộc tội có sau đơn tố cáo
Phương Nga bị cáo buộc có hành vi gian dối, tạo lập giấy tờ giả và thuê người làm chủ căn nhà trên đường Nguyễn Trãi (TP.HCM), dụ ông Mỹ mua giá 16,5 tỷ đồng rồi chiếm đoạt. Tuy nhiên, Nga và Dung khai số tiền đó đại gia cho Nga để thực hiện thỏa thuận tình cảm, không có chuyện mua bán nhà.
Nga cho biết các tài liệu liên quan căn nhà do bà Nguyễn Mai Phương làm, hoặc cô tự làm giả theo hướng dẫn của bà này để hợp thức hoá số tiền đã nhận từ ông Mỹ. Nhưng chúng được làm sau khi ông này có đơn tố cáo cô lừa đảo - tức là không có việc mua bán nào cả.
Ông Mỹ khẳng định không có quan hệ tình cảm với hoa hậu, vì tin vào thỏa thuận mua bán nhà năm 2013 của Nga nên mới mua căn nhà trên đường Nguyễn Trãi. Bị HĐXX liên tục truy vấn về vị trí, kết cấu, đặc điểm căn nhà... ông Mỹ nói trước khi mua khoảng 3 ngày đã đến xem căn nhà, đi vào trong nhưng không liên hệ với ai.
Ông đi bằng thang máy nhưng lên tầng mấy thì không rõ, thang máy nằm phía sau của khách sạn. Còn trước đó trả lời luật sư của Nga, ông Mỹ nói chỉ đứng bên ngoài xem.
"Phải kiểm tra thực tế và đối chiếu những lời khai này", HĐXX nêu một trong những vấn đề Cơ quan điều tra phải bổ sung.
8. "Người giấu mặt" làm chứng cứ giả
Theo HĐXX, từ kết quả điều tra bổ sung, nếu chứng minh được bản chất 16,5 tỷ đồng ông Mỹ chuyển cho Nga không phải là mua bán nhà thì cần làm rõ ai là người đã làm ra các tài liệu, chứng cứ giả để xử lý.
Liên quan đến cáo buộc Nga thuê giang hồ đe dọa ông Mỹ, còn Nga tố bị ông này thuê người đe dọa, toà yêu cầu lấy lời khai những người liên quan để làm rõ.
9. Vai trò của Nguyễn Đức Thuỳ Dung trong vụ án
Dung là bạn thân của Nga - bị cáo buộc đã bàn bạc, giúp hoa hậu nhận tiền từ ông Mỹ. Tuy nhiên, trả lời thẩm vấn tại toà, Nga khẳng định Dung hoàn toàn không biết việc cô và bà Nguyễn Mai Phương hợp thức hoá số tiền ông Mỹ cho.
Về số tiền hơn 2 tỷ đồng cơ quan điều tra thu được trong tài khoản của Dung, sau đó xác định là tiền "ông Mỹ mua nhà" rồi trả cho ông này, Dung khẳng định đó là tiền kinh doanh mỹ phẩm của mình. Thời điểm cô bị bắt, cảnh sát thu giữ nhiều sổ sách liên quan việc làm ăn của cô nên có thể chứng minh lời cô nói là sự thật.
HĐXX cho rằng những tình tiết này trái ngược với hồ sơ vụ án. Do đó cần điều tra bổ sung làm rõ Dung tham gia vụ án như thế nào, ý thức chủ quan khi nhận tiền của ông Mỹ chuyển cho Nga (như cáo buộc) để chứng minh có hay không vai trò đồng phạm.
10. Bị hại bị căm ghét
Đây có lẽ là điều ít gặp, bởi trong các vụ án hình sự thường bị hại là người chịu nhiều thiệt thòi, mất mát và nhận được ít nhiều đồng cảm từ những người theo dõi phiên tòa. Nhiều bị hại tham dự phiên tòa còn lấy nhiều nước mắt của người tham dự.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử Hoa hậu Phương Nga, đã không thấy điều đó. Mỗi lần bị hại Cao Toàn Mỹ trả lời sai hoặc bối rối tại phòng xử, luôn vang lên các tràng vỗ tay vui mừng. Ở phía ngược lại, họ lại quay sang cổ vũ cho bị cáo, tán dương bị cáo khi đưa ra những câu trả lời sắc sảo. Tại tòa, không ít người còn “nói xấu” bị hại trong phòng xử khiến ông Cao Toàn Mỹ và luật sư bảo vệ đứng dậy yêu cầu HĐXX can thiệp.
Đỉnh điểm chiều 29/6, sau khi kết thúc phiên tòa với phần tuyên bố trả hồ sơ để điều tra bổ sung và cho hai bị cáo được tại ngoại, bị hại Cao Toàn Mỹ đã lầm lũi ra về kèm theo những lời giễu cợt, châm chọc của người dân tại khuôn viên tòa.