Sinh viên Phenikaa xây dựng thành công hệ thống báo cháy và cứu hộ khẩn cấp

Google News

Nhóm sinh viên trường Đại học Phenikaa dành hai năm nghiên cứu và triển hệ thống vừa có khả năng cảnh báo cháy sớm, vừa theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của lính cứu hỏa khi làm nhiệm vụ trong môi trường nguy hiểm.

Những sinh viên tài năng cho ra những sản phẩm công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao

Trong khuôn khổ cuộc thi 'Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên Phenikaa' năm 2024, nhóm sinh viên Trường Đại học Phenikaa bao gồm các em: Bùi Việt Hoàn (lớp K15 Kỹ thuật Y sinh, khoa Điện - Điện tử), Trần Vân An (lớp K15 Kỹ thuật Y sinh, khoa Điện - Điện tử), Lê Tuấn Anh (lớp K14 Điện tử Viễn thông, khoa Điện - Điện tử), Đỗ Quang Vinh (lớp K15 Điện tử Viễn thông 2, khoa Điện - Điện tử) và Vũ Đình Đức (lớp K15 Quản trị Kinh doanh 4, khoa Kinh tế và Kinh doanh) đã gây ấn tượng mạnh với dự án 'Emergency Guardian - Hệ thống hỗ trợ khẩn cấp và theo dõi dấu hiệu sinh tồn cho chiến sĩ tìm kiếm cứu nạn'. Đây là hệ thống cảnh báo cháy và hỗ trợ sinh tồn dành cho lực lượng cứu hỏa, hướng tới mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng trong các tình huống cháy nổ nguy hiểm.

Dự án bao gồm nhiều hạng mục, như: Hệ thống cảnh báo cháy nổ được trang bị trong mỗi căn phòng trong tòa nhà, bao gồm cảm biến phát hiện lửa, cảm biến khí gas, tích hợp chuông báo động và hệ thống thông tin liên lạc. Quyết định phát hiện cháy được đưa ra dựa trên phân tích môi trường từ các cảm biến và phản hồi của người dùng.

Sau khi nhận được xác nhận về đám cháy, hệ thống sẽ tạo ra cảnh báo và thông báo trực tiếp đến điện thoại người dân qua tin nhắn SMS về vị trí cụ thể xảy ra đám cháy (tòa nhà, số tầng, số phòng). Đồng thời, hệ thống chia sẻ thông tin sự kiện lên đám mây, giúp lan tỏa thông tin đến cư dân xung quanh để thông báo cho những ngôi nhà khác về tình hình hiện tại của đám cháy.

Hệ thống hỗ trợ sinh tồn cho lính cứu hỏa là một bộ thiết bị đeo bao gồm các cảm biến giám sát sức khỏe như nồng độ oxy trong máu, nhịp tim và nhịp thở của chiến sĩ cứu hỏa. Những thông số này được truyền trực tiếp tới trung tâm chỉ huy, cho phép các chỉ huy theo dõi tình trạng sức khỏe của mỗi chiến sĩ theo thời gian thực.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Phenikaa thuyết trình về dự án Emergency Guardian. Ảnh: NVCC

Lấy động lực từ những câu chuyện cháy nổ đau thương

Em Trần Vân An, đại diện nhóm sinh viên nghiên cứu dự án chia sẻ, động lực phát triển dự án của nhóm xuất phát từ thực tế đau lòng qua những vụ cháy lớn tại các chung cư, nhà ở đã xuống cấp, thiếu hệ thống cảnh báo sớm, dẫn đến nhiều mất mát về người và tài sản.

Emergency Guardian có khả năng cảnh báo sớm và hỗ trợ thoát hiểm nhanh chóng trong các tình huống khẩn cấp. Sản phẩm có khả năng định vị chính xác vị trí người gặp nạn, giúp công tác cứu hộ diễn ra kịp thời, từ đó giảm thiểu rủi ro cho người dân và lực lượng cứu hỏa.

'Với thiết kế tiên tiến và các tính năng thông minh, Emergency Guardian tạo nên bước tiến mới trong công nghệ an toàn, đáp ứng và vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe trong môi trường công nghiệp, nhà ở và kinh doanh. Chúng em tự tin vào khả năng thương mại hóa cao của dự án', Vân An tự hào nói.

Nội dung chú thích ảnh

Hệ thống theo dõi dấu hiệu sinh tồn cho lính cứu hỏa có khả năng giám sát chỉ số sức khỏe như nồng độ oxy trong máu, nhịp tim, nhịp thở, phát hiện ngã và định vị trong nhà

Sau nhiều tháng nghiên cứu, nhóm đã có cơ hội thử nghiệm hệ thống Emergency Guardian trong môi trường thực tế tại tòa nhà A4 của Trường Đại học Phenikaa.

'Kết quả thử nghiệm ban đầu rất khả quan. Hệ thống đã cung cấp cảnh báo nhanh chóng và chính xác, giúp quá trình cứu hộ diễn ra an toàn và thuận lợi hơn rất nhiều', An hào hứng chia sẻ.

Nhóm đã triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về ý nghĩa của hệ thống Emergency Guardian. Một trong những chiến dịch nổi bật là chương trình 'Hãy cứu lấy người lính cứu hỏa' với nội dung thực tế ảo (AR/VR), giúp người dùng hiểu rõ hơn về các tính năng của hệ thống và tầm quan trọng của việc trang bị các thiết bị bảo hộ tiên tiến.

Nội dung chú thích ảnh

Kiến trúc hệ thống: (a) Hệ thống cảnh báo cháy; (b) Hệ thống theo dõi dấu hiệu sinh tồn cho lính cứu hỏa.

Dự định mở rộng và phát triển hệ thống trong tương lai

Bàn về dự định tương lai, nhóm sinh viên khẳng định sẽ không dừng lại ở phiên bản hiện tại mà đang từng bước mở rộng và cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn ngày càng lớn trong cộng đồng.

Theo Vân An, hiện các thành viên đang lên kế hoạch đưa hệ thống này ra khỏi phạm vi thử nghiệm trong nhà trường, hướng tới triển khai tại các khu vực có nguy cơ cao như khu công nghiệp, chung cư cao tầng, khách sạn và trung tâm thương mại trên toàn quốc.

Nhìn lại quá trình tham gia cuộc thi và phát triển Emergency Guardian, Vân An cùng nhóm sinh viên nhận ra vai trò quan trọng của môi trường giáo dục, đặc biệt là sự hỗ trợ tận tâm từ nhà trường, trong việc nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp.

PV

Bình luận(0)