Đỉnh cao may mắn: BV Nhi Trung ương bốc thăm trúng loại thuốc 50 tỷ, cứu sống bé trai Bắc Ninh

Google News

Loại thuốc chữa bệnh Teo cơ tủy này có giá lên đến 2,1 triệu USD (khoảng 48,6 tỷ đồng).

Ngày 15/5, bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh (Phó Giám đốc Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền - Liệu pháp phân tử) cho biết cách đây 2 năm, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cứu sống bệnh nhi Tuấn Kiệt (11 tháng tuổi, ở Bắc Ninh) bị mắc bệnh Teo cơ tủy nhờ loại thuốc có tên Zolgensma. Đây là loại thuốc đắt nhất thế giới, có giá lên đến 2,1 triệu USD (tương đương khoảng 48,6 tỷ đồng) một liều. Thuốc được dùng một liều duy nhất trong đời.

Zolgensma là một liệu pháp gene dựa trên vector virus liên quan được chỉ định để điều trị bệnh nhi dưới 2 tuổi bị teo cơ tủy sống. Đây là loại bệnh hiếm gặp, gây thoái triển về vận động và tử vong sớm do liệt cơ hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Để điều trị căn bệnh quái ác này, các bác sĩ trên thế giới sẽ sử dụng biện pháp thay thế gene – Zolgensma. Tuy nhiên, liệu pháp này là một giấc mơ đối với phần lớn các các bệnh nhân Việt Nam bởi chi phí quá cao. 

Nội dung chú thích ảnh

Thuốc Zolgensma. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Và rất may mắn, Bệnh viện Nhi Trung ương đã bốc trúng miễn phí bằng cách gửi mã số đến chương trình bốc thăm của công ty Avexis (thuộc Novartis - tập đoàn dược phẩm toàn cầu, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ). Đây là một phần trong Chương trình mở rộng tiếp cận điều trị với Novartis mà Bệnh viện Nhi Trung ương tham gia.

Theo đó, cứ đều đặn 2 tuần 1 lần, bệnh viện lại gửi mã số bệnh nhân đến chương trình để tham gia bốc thăm với hi vọng một ngày nào đó sẽ may mắn trúng thưởng lọ thuốc đắt nhất thế giới. Với hình thức bốc thăm ngẫu nhiên này, bệnh nhân nào được bốc trúng sẽ được tặng thuốc.  

Và may mắn đã thật sự mỉm cười với bệnh nhi Tuấn Kiệt khi Bệnh viện Nhi Trung ương đã bốc thăm trúng được liều thuốc có giá đắt nhất thế giới này. 

Nội dung chú thích ảnh

Bé Tuấn Kiệt mắc bệnh Teo cơ tủy - loại bệnh di truyền lặn nhiễm sắc thể, gây thoái hóa vận động và tử vong sớm do liệt cơ hô hấp. Thông thường, bệnh nhi bị teo cơ tủy sống tuýp 1 (tuýp phổ biến) chỉ sống được khoảng 2 năm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, 9h30 ngày 10/02/2021, 1 ngày sau khi liều thuốc thần kì về tới bệnh viện, liệu pháp Zolgensma đã được cẩn thận đưa vào cơ thể của cháu Kiệt.

Quá trình diễn ra trong 1 giờ đồng hồ dưới sự giám sát chặt chẽ về chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Sàng lọc sơ sinh và quản lý bệnh hiếm và các dược sĩ. 

“Chúng tôi đã phải tính toán rất kỹ lưỡng khi đưa thuốc vào cơ thể bệnh nhi bởi chỉ cần một phút sơ sẩy, không những sức khỏe của cháu bé bị ảnh hưởng mà hơn liều thuốc duy nhất có thể trở thành không hiệu quả” – Bác sĩ, tiến sĩ Vũ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền - Liệu pháp phân tử cho hay.

16h ngày 11/02/2021, sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe của bé Kiệt ổn định sau khi dùng thuốc, các bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho bé xuất viện.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh – Trung tâm sàng lọc sơ sinh và quản lý bệnh hiếm cho biết, sau khi truyền thuốc, bé Tuấn Kiệt được chỉ định các bài tập phục hồi chức năng để hoàn thiện cơ lực và hô hấp. Sau 06 tháng điều trị, vận động của bé Kiệt có tiến triển vượt bậc: bé có thể tự ngồi một mình, hai chân có thể đung đưa và tự đẩy võng cho mình.

Cho tới nay, ngoài bé Kiệt đã có thêm 08 bệnh nhân SMA dưới 2 tuổi được truyền thuốc Zolgensma. Hiện, Viện Nhi Trung ương còn 14 cháu mắc teo cơ tủy đợi thuốc, đang được điều trị triệu chứng để duy trì, hỗ trợ. Bác sĩ Khánh cho hay tỷ lệ trúng rất hiếm, bởi mỗi năm, chương trình chỉ cấp 50 lọ nhưng có rất nhiều bệnh nhi ở các nước tham gia.

Tháng 12/2019, liệu pháp gen được FDA Hoa Kỳ công nhận để dùng trong điều trị bệnh SMA cho trẻ dưới 02 tuổi.

Thuốc Zolgensma do công ty Avexis thuộc tập đoàn dược Norvatis (Mỹ) sản xuất. Tuy nhiên, liệu pháp này rất tốn kém và hiện chưa được thực hiện tại Việt Nam.

Công ty Avexis có trụ sở tại Hoa Kỳ, thuộc Tập đoàn dược phẩm Novartis, đang thực hiện Chương trình mở rộng tiếp cận điều trị (AVXS-101 Managed Access Program – MAP) cho những bệnh nhi SMA tại các quốc gia không có điều kiện tiếp cận với điều trị liệu pháp gen, trong đó có Việt Nam.

Bình luận(0)