Tờ Straits Times cho hay, sự việc diễn ra vào ngày 8/5/2019. Theo đó, nạn nhân là cô Toh Yi Lin đến Trung tâm Nha khoa Quốc gia Singapore thăm khám do bị đau nhức răng.
Theo chẩn đoán, cơn đau có thể do răng khôn gây ra. Bác sĩ cho cô Lin chụp X-Quang, kết quả cho thấy, một chiếc răng khôn của cô Lin mọc ngầm và lệch. 3 chiếc răng khôn khác cũng bị ảnh hưởng.
Bác sĩ chỉ định, cô Lin cần gây mê để nhổ răng khôn, đồng thời tư vấn cô có thể chọn gây tê cục bộ hoặc toàn thân trong khi phẫu thuật. Sau khi thảo luận với mẹ, cô Lin quyết định nhổ bỏ cả 4 chiếc răng khôn bằng cách gây mê toàn thân.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân được bác sĩ gây mê kiểm tra tiền sử bệnh tật và các dị ứng thuốc, mọi vấn đề đều bình thường.
Ảnh minh họa
Tại phòng phẫu thuật, cô Lin được bác sĩ gây mê bằng cách luồn ống vào khí quản qua đường mũi. Đây là một quy trình tiêu chuẩn của phẫu thuật nha khoa.
Tuy nhiên, trong 90 phút đầu tiên tiến hành, ca phẫu thuật đã phát sinh sự cố.
Cụ thể, trước khi ca mổ kết thúc, nồng độ CO2 máu của Lin tăng nhẹ, SpO2 trong máu tụt giảm nghiêm trọng.
Ngay lập tức, bệnh nhân được thở oxy để cải thiện nhưng tình trạng không tiến triển.
Cô Lin rơi vào hôn mê, sốt cao tới 42 độ C và phải truyền hạ sốt qua đường tĩnh mạch.
Các bác sĩ thống nhất chuyển bệnh nhân lên bệnh viện Đa khoa Singapore để cấp cứu hồi sức, nhưng tới 13h30, cô Lin đã tử vong.
Theo điều tra, nguyên nhân khiến cô Lin không qua khỏi là do biến chứng khi gây mê.
Cô bị chứng tăng nhiệt ác tính - hiện tượng rất hiếm chỉ xảy ra với tỷ lệ 1/50.000 người.
Cô Lin có tiền sử mỡ máu cao đã được điều trị và không hề bị dị ứng thuốc. Năm 2011 và 2013, cô từng 2 lần phẫu thuật (có gây mê toàn thân) nhưng hoàn toàn không xảy ra sự cố gì.
Việc phẫu thuật nhổ bỏ 4 chiếc răng khôn cũng được tiến hành sau khi bác sĩ kiểm tra rất kỹ và việc phát sinh hoàn toàn là điều không thể lường trước do chứng tăng nhiệt ác tính hiếm khi xảy ra.
Chính vì vậy, ngày 30/9/2022, cơ quan điều tra đã công bố nguyên nhân cái chết của cô Lin là một 'sự cố y khoa không may'.
Ngày 9/6/2020 tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cũng xảy ra trường hợp 1 chàng trai 26 tuổi tử vong vì nhổ răng khôn.
Cụ thể, chàng trai này nhổ răng, 10 ngày sau vẫn thấy có máu chảy trong răng. Khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất ổn, anh nhập viện và được bác sĩ chẩn đoán là bị máu nhiễm khuẩn khi nhổ răng khôn.
Răng khôn gây ra rất nhiều đau đớn. Trong một số trường hợp đau dữ dội, ảnh hưởng đến toàn bộ răng trong khoang miệng, bắt buộc cần phải nhổ bỏ. Về độ tuổi được khuyến nghị nên nhổ trước 25 tuổi vì khi đó phần chân răng vẫn chưa cố định, ít ảnh hưởng tới dây thần kinh hơn.
Để tránh những mối nguy hiểm tiềm ẩn khác nhau do răng khôn gây ra, nên nhổ răng khôn trước khi mang thai.
Những trường hợp nên cẩn thận khi nhổ răng khôn gồm: Phụ nữ đang có kinh nguyệt và đang mang thai, người mắc bệnh mãn tính (như suy thận, tiểu đường, bệnh cường giáp, bệnh lao... do sức đề kháng kém dễ dẫn tới tình trạng bệnh thêm nặng), người bị tăng huyết áp (nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao khi nhổ răng khôn), người mắc bệnh gan và thận (liên quan đến quá trình đông máu).