Hiện nay, các máy bay tiêm kích hiện đại đều được trang bị radar có tầm trinh sát từ hàng chục tới hàng trăm km cùng bộ vũ khí cực kỳ tiên tiến với đủ loại tên lửa không đối không từ tầm ngắn tới tầm trung, tầm xa và cực xa (tới 300-400km). Tuy nhiên, có một điểm chung là dù mạnh và hiện đại tới đâu, tất cả các dòng tiêm kích trên thế giới đều không từ bỏ pháo hàng không - vũ khí tưởng như đã diệt vong khi máy bay phản lực, tên lửa ra đời. Nhưng pháo hàng không vẫn tồn tại trong suốt cả trăm năm qua.
Thực tế, lịch sử đã chứng minh rằng dù có tầm bắn ngắn, thua xa tên lửa về tầm, độ chính xác nhưng pháo hàng không vẫn nắm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tác chiến không đối không. Ví dụ trong Chiến tranh Việt Nam, thời kỳ đầu dù chỉ có trong tay tiêm kích cận âm MiG-17F (trang bị 3 khẩu pháo) nhưng phi công Không quân Nhân dân Việt Nam vẫn xuất sắc bắn hạ tiêm kích siêu âm F-4 của Mỹ mang đầy tên lửa.
Dù tính năng của MiG-17 rất hạn chế so với F-4, hỏa lực pháo cũng chỉ phát huy sức mạnh ở cự li 400m trở xuống. Nhưng các phi công Việt Nam đã thực hiện thành thạo lối đánh cận chiến áp sát, bám thắt lưng địch ở trên không. Chiến thuật này giúp phát huy tối đa sức mạnh của pháo tự động.
Chính vì vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi bỏ pháo, người Mỹ và ngay cả chính Liên Xô đã trang bị lại cho các tiêm kích chủ lực của mình pháo hàng không. Đó là lý do tại sao trên tiêm kích hiện đại ngày nay đều được trang bị các loại pháo cỡ 20-25-30mm. Tiêm kích đa năng Su-27 và Su-30 của Không quân Nhân dân Việt Nam hiện được thiết kế mang một khẩu pháo cao tốc GSh-301 30mm - chúng được ví như "thanh đoản kiếm" chuyên đánh cận chiến.
|
Các máy bay Su-27 và Su-30 của Việt Nam được trang bị pháo GSh-301. |
GSh-301 là sản phẩm của Cục thiết kế Tula, mà chủ yếu là hai tổng công trình sư Vasiliy Petrovich Gryazev (1928-2008) và Arkadiy Georgiyevich Shipunov (1927-2013). Tiền tố GSh trong tên pháo chính là ghép tên của hai ông.
Pháo cao tốc GSh-301 (mã định danh của Tổng cục pháo binh và tên lửa Liên Xô GRAU là 9A-4071K) có nòng cỡ 30mm, được trang bị trên các máy bay chiến đấu của Sukhoi như Su-27, Su-30, Su-33, Su-34, Su-35, Su-37. Ngoài ra, GSh-301 còn xuất hiện trên máy bay chiến đấu MiG-29, Yak-141 và một số máy bay của Trung Quốc.
Nhiệm vụ chính của GSh-301 là vũ khí cận chiến trên không của máy bay chiến đấu, đồng thời cho phép tiến công mục tiêu mặt đất ở một mức độ nhất định. Pháo nặng 46kg, dài 1.978mm, nòng pháo dài 1.500mm, tương đối gọn nhẹ, không ảnh hưởng đến khả năng vận động vốn rất quan trọng với máy bay chiến đấu.
|
Nạp đạn cho pháo GSh-301 trên tiêm kích Su-30MK2.
|
Khác với các súng máy kiểu Gatling, pháo GSh-301 sử dụng cơ cấu giật ngắn, cho phép giảm trọng lượng pháo. Tốc độ bắn của pháo là 25 phát/giây, cho phép tạo mật độ hỏa lực rất cao để công kích mục tiêu. Trong khi đó, cơ số đạn thường là 150 viên, nên đòi hỏi phi công phải rất cẩn trọng khi quyết định bóp cò súng.
Tuy nhiên, pháo được hỗ trợ bởi hệ thống đo xa laser và ngắm mục tiêu, nên có độ chính xác cao và uy lực mạnh, có thể diệt mục tiêu chỉ với 3-5 viên đạn. Sơ tốc đầu đạn đạt 860m/s, tầm bắn đối không ước tính từ 200-800m, khi đối đất là từ 1.200-1.800m.
|
Pháo GSh-301 |
Pháo cao tốc GSh-301 sử dụng đạn cỡ 30x165mm với ngòi nổ chậm, gồm nhiều biến thể như:
Đạn xuyên - vạch đường (AP-T)
Đạn xuyên cháy - vạch đường (API-T)
Đạn xuyên - vạch đường lõi tungsten (APT-T)
Đạn xuyên nhồi chất trơ (AP Inert)
Đạn nổ mảnh - vạch đường (HE-T)
Đạn nổ mảnh - vạch đường tầm ngắn (HE-T-SR)
Đạn nổ mảnh - vạch đường nhồi chất trơ (He-T Inert)
Đạn nổ mảnh - cháy (HEI)
Đạn nổ mảnh – cháy vạch đường (HEI-T)
Đạn diễn tập (RTP)
Đạn diễn tập - vạch đường (RTP-T)