Làng Vây 1968: tăng PT-76 “đứng vững” trước 100 phát M72?

Google News

(Kiến Thức) - Tại sao trong trận Làng Vây 1968, quân Mỹ bắn khoảng 100 phát đạn chống tăng M72 vào xe tăng PT-76 của Việt Nam nhưng không phá hỏng được chiếc nào?

"Sát thủ diệt tăng" không xuyên nổi giáp dày 20mm

Năm 1968, bước vào chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, lực lượng Tăng – Thiết giáp lần đầu tiên ra trận sau gần 10 năm ra đời (5/10/1959, Binh chủng Tăng – Thiết giáp ra đời với sự kiện Trung đoàn xe tăng 202 được thành lập).

Ngày 5/8/1967, Tiểu đoàn 198 thuộc Trung đoàn 203 được lệnh vào Nam chiến đấu. Tiểu đoàn 198 gồm 2 đại đội (đại đội 3 và 9) trang bị 22 xe tăng lội nước PT-76.

Ngày 14/10/1967, Tiểu đoàn 198 từ Lương Sơn – Hòa Bình bắt đầu hành quân vào Nam theo đường Trường Sơn. Để đảm bảo yếu tố bất ngờ trong lần đầu tiên ra trận của các xe tăng, công tác ngụy trang trong hành quân rất được chú trọng.  

Sau 50 ngày đêm hành quân dưới bom đạn đánh phá ác liệt của địch, tiểu đoàn đã đến các điểm tập kết. Đại đội 3 vượt 813 km tập kết ở Nậm Khang, Đại đội 9 vượt 1.438 km tập kết ở ngã ba Mường Noọng, phía nam đường 9.

Lần đầu xuất hiện tại chiến trường, đơn vị xe tăng 198 được giao nhiệm vụ hiệp đồng với bộ binh tiêu diệt địch tại căn cứ Làng Vây – một tiền đồn của Khe Sanh.
Xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 của quân đội ta chỉ bọc giáp dày 20mm (vị trí dày nhất).

Cứ điểm Làng Vây là một tiền đồn của của căn cứ Khe Sanh nằm trên đường 9. Tại đây có 4 đại đội Ngụy quân cùng với một số sĩ quan Mỹ chỉ huy, được trang bị hỏa lực rất mạnh gồm nhiều pháo cối, pháo không giật ĐKZ, súng phóng lựu M-79 và súng chống tăng M72.

Trong số các loại vũ khí ở Làng Vây, đáng lưu ý là có sự xuất hiện của súng chống tăng M72 LAW được đưa vào trang bị trong quân đội Mĩ năm 1963. Súng có cỡ 66mm, dài 0,89m, nặng 2,5kg. Tầm bắn hiệu quả 150-170m, tầm bắn tối đa lên đến 1.000m, khả năng xuyên giáp được cho là lên đến 300mm.

Khi tham chiến ở Việt Nam, M72 LAW được tuyên bố là có tính năng kĩ chiến thuật ngang với súng chống tăng RPG-7 (Việt Nam gọi là B-41) của Liên Xô.

Trước một loại xe tăng hạng nhẹ như PT-76 (nơi giáp dày nhất chỉ là 20mm), rõ ràng M72 LAW chỉ cần đạt được một phần nhỏ những tính năng lí thuyết là đã có thể hạ gục được đối phương.

Những thực tế diễn biến lại khác, trận đánh bắt đầu lúc 23h30 ngày 6/2/1968 với lực lượng ta gồm: Trung đoàn bộ binh 24, 2 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn pháo và 2 đại đội đặc công cùng với Tiểu đoàn xe tăng 198.

Sau loạt đạn của pháo binh bắn chế áp mục tiêu, các mũi tiến công xông lên tấn công cửa mở từ 3 hướng. Ở hướng Tây và Nam, xe tăng lần đầu xuất hiện đã tỏ rõ giá trị đột kích của nó. Các hàng rào trước đây bộ binh phải vất vả mở bằng bộc phá thì nay chẳng khác gì mạng nhện với xe tăng. Các lô cốt hoặc bị hỏa lực của pháo từ xe tăng bắn sập hoặc bị xe lao vào húc đổ, dùng xích sắt nghiền nát.

Nhờ sức đột kích lớn của xe tăng, đến 1h ngày 7/2, các cánh quân ta đánh vào đến trung tâm cứ điểm và nhanh chóng đánh chiếm nốt các khu vực còn lại. Đến sáng ngày 7/2, ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Làng Vây, diệt và bắt sống toàn bộ quân Mỹ - Ngụy và Lào chốt giữ ở đây.
PT-76 đã đánh bại được "sát thủ diệt tăng" M72 và "nghiền nát" cứ điểm Làng Vây.

Trong trận đánh này ta cũng bị địch đáng hỏng vài xe tăng, nhưng “tác giả” không phải là “sát thủ diệt tăng” M72 LAW mà là vũ khí khác.

Theo một số tài liệu, trong trận đánh Làng Vây, trước xe tăng PT-76, súng chống tăng M72 đã thể hiện rất tồi. Hơn 100 phát đạn bắn ra, hoặc bắn trượt, hoặc trúng vào lớp giáp nghiêng của PT-76 và … bật ra ngoài.

Vậy tại sao một loại vũ khí diệt tăng của nền quốc phòng tiên tiến bậc nhất thế giới lại thua thảm hại trước xe tăng bọc giáp dày 20mm PT-76.

Tại sao M72 LAW vô dụng?


Sự tệ hại của súng chống tăng M72 LAW nằm ở cơ cấu điểm hỏa, điểm hỏa từ dưới lên. Trong khi đó, súng chống tăng B-41 sử dụng trạm truyền nổ chữ U.

Với trạm truyền nổ chữ U trên đạn B41, khi nổ thì khối vật chất năng lượng cao tạo bởi tấm tích năng lượng nổ được dồn thành một hình cầu nhỏ, tập trung năng lượng ở cả chiều ngang và chiều dài. Khối vật chất nén có mật độ rất cao, với tấm tích năng lượng bằng đồng, có mật độ 20-30 tấn/m3. Chính vì vậy, nó tạo lỗ khoan nhỏ (xuyên vào giáp xe), ít tốn năng lượng cho mỗi đơn vị chiều sâu và nhờ đó xuyên sâu hơn. Điều này cũng lí giải vì sao ngay cả xe tăng M1 Abrams hiện đại nhất của Mĩ cũng bị đạn B41 xuyên thủng.

Còn với loại đạn có trạm truyền nổ từ dưới lên như M72, phản ứng nổ vượt trước khối vật chất năng lượng cao, vì tốc độ nổ là 9km/s, trong khi đó tốc độ dòng vật chất năng lượng cao chỉ đạt cao nhất 2km/s. Điều này khiến việc nổ phía trước cản trở chuyển động của vật chất năng lượng cao đi chậm hơn.

Với cơ cấu truyền nổ này, khối vật chất năng lượng cao không dồn thành một hình cầu như trạm truyền nổ chữ U, mà kéo dài thành hình “que đũa”. Mỗi đoạn của “que đũa” dài có năng lượng thấp, sẽ bị giáp nghiêng đẩy ra ngoài phần lớn năng lượng, và cả “que đũa” không tập trung sẽ có các đoạn lần lượt bị đẩy ra ngoài. Đây chính là điều đã “hạ nhục” M72, khiến nó trở thành “thùng rỗng kêu to” khi tính năng được cho là tương đương B-41, nhưng không xuyên qua nổi giáp dày 20mm của xe tăng PT-76.
Binh sĩ Mỹ với súng chống tăng M72 LAW.

Không chỉ có sức xuyên kém mà tầm bắn hiệu quả của M72 cũng rất thấp. Do đây là loại súng dùng một lần, không có kính ngắm. Trong khi đó, xạ thủ B-40, B-41 lại phải nắm rất nhiều công thức ước lượng tầm, ước lượng cự li, có yếu lĩnh bắn nên đương nhiên súng phải chính xác hơn.

Tuy nhiên, M72 lại có một mặt mạnh về chiến thuật. Đây là một súng dùng một lần, dễ sử dụng. Với B-41 thì cả tiểu đội mới có một khẩu, còn M72 thì bất cứ lính bộ binh nào cũng có thể mang theo như một vũ khí dùng thêm. Trong chiến đấu, khi xe tăng địch vào gần thì đồng loạt khai hỏa, hỏa lực của tiểu đội sẽ tăng lên rất mạnh. Nếu cần, cũng có thể sử dụng nhiều M72 bắn đồng loạt như một dàn hỏa tiễn, để áp chế đội hình địch.

Nhìn chung, M72 LAW là một “nỗi xấu hổ” với nền công nghiệp quốc phòng Mĩ. Khẩu súng tự cho là tương đương súng chống tăng B-41, nhưng không bắn xuyên được giáp của xe tăng hạng nhẹ PT-76.



Lương Minh

Bình luận(0)