Hải quân Indonesia lớn nhất Đông Nam Á

Google News

Hải quân Indonesia được coi là lực lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á khi sở hữu hơn 100 tàu chiến các loại.

Hải quân Indonesia được coi là lực lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á khi sở hữu hơn 100 tàu chiến các loại.
 
Indonesia được mệnh danh “quốc gia vạn đảo” với 13.487 hòn đảo. Với đặc điểm địa lý như vậy, họ phải có hải quân mạnh, đông, hiện đại nhằm bảo vệ bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế...

Hải quân Indonesia có quân số thường trực lên tới 74.000 lính, chiếm gần 1/3 quân số Quân đội Indonesia (233.000 quân), sở hữu 150 tàu các loại.

Xuất xứ các loại tàu chiến của Indonesia chủ yếu đến từ Hà Lan, Đức, Mỹ. Những năm gần đây, Indonesia tăng cường hợp tác với Tập đoàn Daewoo của Hàn Quốc trong một số lĩnh vực phát triển tàu đổ bộ, tàu ngầm.

Nhiều tàu chiến nhất

Có thể nói, lực lượng tàu chiến đấu của Indonesia đông chưa từng thấy với hơn 100 tàu tên lửa và tàu pháo.

Đóng vai trò chủ lực trong Hải quân Indonesia là 6 khinh hạm lớp Van Speijk được Indonesia mua lại của Hải quân Hà Lan giai đoạn 1986 - 1989.
Khinh hạm chủ lực Hải quân Indonesia lớp Van Speijk.
Khinh hạm chủ lực Hải quân Indonesia lớp Van Speijk.
Tàu lớp Van Speijk có lượng giãn nước 2.850 tấn, dài 113,4m, thủy thủ đoàn 180 người. Trang bị vũ khí của tàu ngoài các tổ hợp pháo, tên lửa đối không tầm ngắn, tổ hợp tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon.

Được đóng từ những năm 1970, các tàu Van Speijk khá cũ kỹ, Indonesia phải liên tục sửa chữa trong nhiều năm trở lại đây. Lần gần nhất, năm 2008, tất cả các tàu thay động cơ tuốc bin khí bằng động cơ diesel.

Về vũ khí, 2 trong số 6 tàu Van Speijk được hiện đại hóa với tổ hợp tên lửa chống hạm C-802 (tầm bắn 120km). Một tàu khác trang bị 4 tên lửa chống hạm siêu âm SS-N-26 của Nga.

Bên cạnh Van Speijk, Indonesia cũng duy trì 3 hộ tống hạm lớp Fatahillah mua lại của Hà Lan. Các tàu có lượng giãn nước 1.450 tấn, dài 84m, trang bị pháo hạm tầm gần, tổ hợp tên lửa hành trình đối hải Exocet.
Tàu hộ tống săn ngầm lớp Parchim.
Tàu hộ tống săn ngầm lớp Parchim.
Đặc biệt, Hải quân Indonesia sở hữu một đơn vị tàu chống ngầm hùng hậu gồm 16 chiếc lớp Parchim mua lại của Đức.

Tàu Parchim có lượng giãn nước 950 tấn, dài 72,5m. Hỏa lực chống ngầm của tàu gồm 2 cụm giàn phóng rocket săn ngầm RBU-6000 và 4 máy phóng ngư lôi cỡ 400mm. Tầm săn ngầm của Parchim hạn chế trong tầm 10km.

Tuy đông nhưng nhìn chung Hải quân Indonesia chỉ sở hữu những loại tàu thế hệ cũ, năng lực chiến đấu hạn chế. Việc vận hành đã khá lâu làm tàu thường xuyên hỏng hóc.

Trước tình hình đó, họ đang nỗ lực hiện đại hóa đơn vị tàu chiến. Giai đoạn 2007 - 2009, Indonesia đưa vào hoạt động 4 tàu hộ tống hiện đại lớp Sigma 9113 có lượng giãn nước 1.692 tấn, dài 90,71m. Tàu được vũ trang pháo hạm tầm gần, ngư lôi, tổ hợp tên lửa đối không tầm ngắn MBDA Mistral (tầm bắn 5,3km) và tổ hợp tên lửa đối hạm MM40 Block 2 Exocet.
Tàu hộ tống đa năng lớp Sigma 9113.
Tàu hộ tống đa năng lớp Sigma 9113.
Năm 2010, Indonesia ký hợp đồng với Hà Lan mua một khinh hạm Sigma 10514 có chiều dài 105m. Dự kiến, tàu trang bị tổ hợp tên lửa đối không tầm trung, tên lửa tầm xa, ngư lôi, pháo.

Ngoài ra, Indonesia cố gắng tự chế tạo các loại tàu tên lửa. Giai đoạn 2011-2012, Indonesia lần lượt đưa vào sử dụng 2 tàu cao tốc tên lửa KCR-40.

Chiếm tới 70% tàu chiến Hải quân Indonesia gồm các loại tàu pháo tự đóng hoặc mua lại của Hàn Quốc, Mỹ, Australia và Đức. Tàu pháo chủ yếu dùng pháo 76mm, 40mm, 20mm, súng máy hạng nặng.

Với Indonesia, số tàu pháo này thực sự rất quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh của hơn 13.000 hòn đảo, trong đó có 6.000 hòn đảo không người ở.

Nhắc tới tàu ngầm, Indonesia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu 2 tàu ngầm lớp Cakra (Type 209) mua của Đức năm 1981. Tàu có lượng giãn nước 1.800 tấn, dài 64,5m. Tàu trang bị 8 máy phóng ngư lôi 533mm và tổ hợp tên lửa hành trình UGM-84 Harpoon.

Mặc dù là nước đi đầu tiên về tàu ngầm nhưng trong hàng chục năm Indonesia không thể mở rộng đơn vị đặc biệt quan trọng này. Mãi tới tháng 1/2012, Indonesia mới quyết định mua thêm 3 tàu ngầm lớp Chang Bogo của Hàn Quốc trị giá 1,07 tỷ USD. Dự kiến, tất cả được chuyển giao vào giai đoạn 2015-2016.

Lính thủy đánh bộ thuộc hàng 2

Binh chủng lính thủy đánh bộ Hải quân Indonesia có khoảng 29.000 lính thường trực. Con số này vượt lên trên 9 nước Đông Nam Á, xếp thứ 2 sau lính thủy đánh bộ Thái Lan.

Về trang bị vũ khí, Indonesia chủ yếu dùng xe tăng, xe bọc thép của Nga sản xuất (Pt-76, BMP-2/3, BTR-50/80, PTS) và một số ít xe pháo của Pháp, Mỹ.

Hải quân Indonesia có chừng gần 30 tàu đổ bộ cỡ lớn, cỡ trung. Đặc biệt, trong số đó có 4 tàu vận tải đổ bộ đa năng lớp Makassar có lượng giãn nước hơn 11.000 tấn (chở 40 xe bọc thép, 500 lính và 2 tàu đổ bộ cỡ nhỏ). Số còn lại đều là tàu thế hệ cũ mua lại của Mỹ, Đức.

Không quân Hải quân đứng nhất

Chịu thua người Thái ở lực lượng lính thủy đánh bộ nhưng với Không quân Hải quân, Indonesia giành lại ngôi đầu Đông Nam Á. Họ có 72 máy bay các loại dành cho nhiệm vụ tuần tra biển, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
 Máy bay tuần thám biển CASA C-212 của Indonesia.
Máy bay tuần thám biển CASA C-212 của Indonesia.
Máy bay cánh bằng gồm: 3 chiếc vận tải hạng nhẹ G-33 Bonanza (Mỹ), 2 chở khách VIP DHC-5D (Canada), 24 vận tải hạng nhẹ N.24 Nomad (Australia), 12 tuần thám biển CASA C-212 (Tây Ban Nha), 5 tuần thám biển CASA CN-235MPA (Tây Ban Nha).

Về đội ngũ trực thăng có 2 trực thăng đa dụng BO 105, 3 EC-120 (Eurocopter châu Âu), 2 Mi-2 (Ba Lan), 5 trực thăng chống ngầm AS 332F Super Puma (Pháp), 8 trực thăng đa dụng Bell 412EP (Mỹ). Ngoài ra họ có 14 máy bay huấn luyện cánh quạt TB-9/10 (Pháp).

Công nghiệp đóng tàu quân sự

Ngoài Singapore, Indonesia cũng tập trung nhiều nhân tài vật lực phát triển công nghiệp quốc phòng nội địa.

Hướng đi của Indonesia không khác gì Singapore: ký hợp đồng bao gồm điều khoản chuyển giao công nghệ. Sau đó, họ dần đúc kết kinh nghiệm, tiến tới tự thiết kế sản xuất.

Với quyết tâm từ những người lãnh đạo đất nước Indonesia, họ đạt thành quả còn lớn hơn Singapore. Có lẽ, số tàu chiến tự đóng của Indonesia chiếm tới khoảng 40-50%. Tất nhiên, các lớp tàu đó hầu hết là tàu pháo với công nghệ không quá phức tạp.

Những năm gần đây, Indonesia mới bắt đầu đóng các tàu cao tốc tên lửa tiên tiến. Điển hình là 2 tàu cao tốc KCR-40. Trong tương lai gần, họ sẽ sớm hoàn thành 3 tàu cao tốc KCR-60 trang bị tổ hợp tên lửa hiện đại.
Tàu vận tải đổ bộ đa năng lớp Makassar.
Tàu vận tải đổ bộ đa năng lớp Makassar.
Thành tựu lớn nhất công nghiệp đóng tàu quân sự Indonesia là với sự trợ giúp từ Tập đoàn Daesun (Hàn Quốc), họ đóng thành công 2 tàu vận tải đổ bộ lớp Makassar có lượng giãn nước 8.400 tấn.

Bên cạnh việc đóng tàu, Indonesia cũng tập trung tìm hướng phát triển vũ khí trên hạm. Gần đây, Indonesia đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về việc hợp tác cùng sản xuất loại tên lửa đối hạm tầm ngắn C-705.

Với những bước đi đó, tương lai Indonesia chắc chắn sẽ tự mình thiết kế chế tạo một loại tên lửa chống hạm dành riêng cho các tàu chiến của mình.
(Theo Infonet)

Bình luận(0)