Sinh ra trong một gia đình có bố là cán bộ quân nhu trong quân đội, từ nhỏ đã sống trong nề nếp, nghiêm khắc. Anh thấy tính cách của mình ảnh hưởng thế nào từ cách dạy dỗ nghiêm khắc ấy của cha?
Bao giờ cũng vậy, tính cách của con cái được thừa hưởng theo những phẩm chất bố mẹ dạy dỗ. Ngày bé, tôi không ý thức hết được điều này nên nhiều khi cũng lười, chống đối (cười). Bạn biết đấy, tuổi ăn, tuổi ngủ ai chẳng muốn được chơi cho đã, ngủ cho no mắt. Khi bị gò vào kỷ luật từ sớm đâu có dễ dàng gì tiếp nhận, nhưng hoàn cảnh buộc mình phải có ý thức dần. Về sau này lớn lên tôi mới thấy những điều đã được rèn từ tấm bé có ích thế nào. Ví như giờ giấc, sự ngăn nắp và chủ động.
|
Thời khó khăn chỉ là giấc mộng mị xấu xí, tỉnh dậy là hết |
Thời niên thiếu của anh, bố liệt nửa người, mẹ bị khớp nặng, các anh chị làm ăn xa nhà, mình anh phải đảm đương chăm sóc cha mẹ, anh đã trải qua những ngày tháng ấy như thế nào?
Thời mà bố mẹ tôi bệnh nặng thì tôi cũng bước sang lứa thanh niên rồi, không còn thơ bé nữa. Tuổi mới lớn sao mà đủ vững vàng được, nên suy nghĩ của tôi lúc ấy còn non nớt lắm, có mấy khi làm được gì đúng đắn. Nhìn bạn bè có điều kiện, xã hội thì thay đổi rầm rầm, trong khi mình tay trắng nuôi bố mẹ đau ốm cũng nản lắm chứ. Là một người bình thường ai chẳng có mong muốn được sướng, được bay nhảy và làm điều mình thích. Thế nhưng hoàn cảnh nặng nề cứ đè xuống mỗi giờ mỗi ngày khiến tôi không trốn đâu được. Rồi dần dần nhiều năm sau, thời vận cũng khác đi, tôi may mắn vượt qua.
Anh chia sẻ, nhiều lần phải cắm mặt xuống khi người đời châm chọc đầy ác ý, thanh niên mà ngồi giặt đồ lót cho cha mẹ..., rồi có lúc anh muốn buông tay vì tương lai mịt mờ, những lúc ấy, điều gì đã giúp anh vượt qua khó khăn để tiếp tục phụng dưỡng mẹ cha và nuôi dưỡng ước mơ của mình?
Thực ra họ đùa thôi, chứ không có ác ý gì. Tính hay đùa của dân mình nhiều khi không xấu nhưng rất dễ trở thành vô duyên, nhất là khi đối tượng bị đùa có tâm trạng hoặc hoàn cảnh không thích đùa. Lúc đó tôi cũng đủ hiểu và lặng lẽ gạt đi những mặc cảm và chống cự bằng những trò quậy. Cũng có những người tốt chỉ dạy tôi làm việc này việc kia. Dần dần tôi cũng có những thu nhập ít ỏi để đỡ đần gia đình. Tôi còn trẻ nên nhiều khi cứ nhủ rằng mọi thứ chỉ là một giấc mộng mị xấu xí, tỉnh dậy là hết.
|
Nuôi dưỡng đam mê cùng rock |
Khi bố mẹ qua đời, chàng thanh niên Trần Lập đã vượt qua nỗi sợ hãi và sự mất mát ấy như thế nào?
Thật may là vào thời điểm đó, tôi lại chẳng sợ hãi gì cả. Bố tôi ra đi trước, còn mẹ sống cùng tôi cho tới mười mấy năm sau. Tôi tự cảm ơn sự che chở phù hộ nào đó của bố mẹ nên đã không sa ngã, nghiện ngập trong những năm tháng chơi vơi nhất.
Anh quan niệm thế nào về tình mẫu tử, về chữ hiếu và sự đền đáp công ơn mẹ cha?
Tình cảm ấy rất thiêng liêng không tả hết bằng lời được. Nói tới đền đáp công ơn cha mẹ theo một nghĩa nào đó lớn lao sách vở thì tôi không biết kể gì. Chỉ biết rằng tôi học hàng ngày và làm việc mỗi giờ cũng chỉ để cho gia đình mình có điều kiện sống tốt hơn. Tôi chọn nghề nghiệp lương thiện, phấn đấu trưởng thành và không để mình sa đà biến chất. Mang trong mình những tư tưởng mà bố mẹ đã chỉ dạy từ thơ bé, có lẽ đó là một sự đền đáp giá trị hơn cả.
Anh thường dạy hai con của mình như thế nào về chữ hiếu ấy?
Tôi từ tốn dạy chúng như bố mẹ tôi đã từng dạy tôi dạo nhỏ. Bài hát "Cha và Con" tôi viết cũng thể hiện điều ấy:
"Có một bài ca cha đã viết khi chưa đặt tên con/ Giọt máu nóng cha đã ươm chờ mong con mau lớn khôn/ Đời hào phóng về xa, nào hãy sống biết ước mơ/ Ai cũng có một thời trẻ dại, lửa thử vàng gian nan đo sức mạnh/ Nơi kia chân trời sáng/ Nào hãy nối bước trên đường thênh thang cha đã đi/ Và con hãy sống hơn cha đã sống một thời xa/ Rồi con sẽ lớn bao niềm vinh quang đang đón chờ/ Dòng đời cám dỗ con hãy vững bước bằng đôi chân/ Dõi bước con đi và cha mong con nên người".
Với các con, tôi để chúng phát triển tự nhiên, có những ước mơ hoài bão và cố gắng tạo điều kiện cho con mình thực hiện những ước mơ, hoài bão ấy. Trước mắt là vậy đã còn về sau thế nào, tự chúng phải quyết định được. Tôi nghĩ chúng làm được những điều đó thôi đã là sự hiếu thảo hơn mọi giá trị vật chất đơn thuần rồi.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!