"Lệnh cấm với Angela Phương Trinh nặng hơn Bà Tưng"

Google News

(Kiến Thức) - Lệnh cấm với Angela Phương Trinh nặng hơn Bà Tưng."  - Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla bày tỏ.

Trong thời gian qua, Cục NTBD đã có biện pháp xử lý mạnh tay “cấm diễn” với hot girl Huyền Anh (nickname Bà Tưng) và gần đây là Angela Phương Trinh với hành vi biểu diễn thiếu văn hóa và ăn mặc phản cảm. Việc “nghiêm trị” của Cục NTBD đã nhận được những ý kiến tán đồng của dư luận. Tuy nhiên, có những ý kiến thắc mắc lệnh cấm hay “tạm cấm” một cá nhân biểu diễn có vượt quá thẩm quyền của Cục NTBD hay không? Để trả lời câu hỏi này PV Kiến thức đã có cuộc trao đổi ngắn với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla.
 Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla
Việc Cục NTBD ra công văn dừng cho phép Angela Phương Trinh tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang đến khi chấp hành xong các quyết định xử phạt hành chính của các cơ quan Thanh tra là đúng hay sai, thưa anh?
Theo Quyết định số: 39/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 24/4/2008 quy định về chức năng quyền hạn và nhiệm vụ của Cục NTBD, thì Cục có chức năng quản lý Nhà nước về mọi hoạt động trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn về văn hóa trên toàn quốc. Do vậy, đây là hoạt động thuộc thẩm quyền của Cục. Vì vậy, việc Cục đưa ra văn bản về quản lý Nhà nước quy định cấm Phương Trinh biểu diễn trên phạm vi toàn quốc là hợp lệ bởi Phương Trinh đã vi phạm các quy định tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP và vi phạm Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động văn hóa.
Vậy Cục NTBD ra văn bản cấm hoặc tạm cấm một cá nhân biểu diễn có thuộc thẩm quyền của đơn vị này không thưa anh?
Thuộc thẩm quyền của Cục NTBD đã đựợc quy định trong Điều 9 phần nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại quyết định số 39/2008/BVHTTDL.
Hiện nay có quy định nào về việc Cục NTBD có quyền cho hay không cho phép một công dân Việt Nam biểu diễn ở VN? 
Theo nghị định 103/2009/NĐ-CP và quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. (Ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ). Được quy định tại Điều 7 của nghị định này. Trong đó đề cập đến thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho các tổ chức, cá nhân biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trước công chúng phải có giấy phép công diễn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Cụ thể: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với các đoàn nghệ thuật thuộc các cơ quan trung ương biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, các đoàn nghệ thuật nước ngoài vào biểu diễn theo chương trình hợp tác văn hóa giữa các cơ quan trung ương với nước ngoài; nghệ sỹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về biểu diễn ở Việt Nam. Bên cạnh đó,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với các đoàn nghệ thuật thuộc địa phương, các đoàn nghệ thuật, cá nhân nghệ sĩ nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn tại địa phương, trình diễn thời trang tại địa phương không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, cá nhân nghệ sĩ Việt Nam (không phải là đoàn nghệ thuật) biểu diễn tại địa phương".
Phương Trinh bị cấm diễn sau màn biểu diễn phản cảm trong bar ở HN và Hải Phòng 
Cục Nghệ thuật đã yêu cầu Sở VHTTDL có văn bản thông báo đến các công ty, chủ địa điểm tổ chức chương trình không được mời Phương Trinh tham gia biểu diễn, cả những nơi như bar, điều này có trái với quy định hay không? 
Như quy định tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP và quy định tại quy chế biểu diễn được ban hành theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP thì Phương Trinh đã xâm phạm vào Điều 6 của nghị định 79, khoản 2 Điều 10 Quy chế hoạt động văn hóa kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.
Anh có thể so sánh mức độ nghiêm trọng giữa lệnh cấm biểu diễn với Angela Phương Trinh và Bà Tưng trước đó?
Đối với Bà Tưng, các hành vi của bà Tưng chưa bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Do đó công văn của Cục đưa ra cũng nhẹ hơn, chỉ là “dừng cấp phép”. Còn Angela Phương Trinh cô ấy đã có biên bản vi phạm hành chính và có quyết định sử phạt hành vi vi phạm Quy chế về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, vi phạm nghị định 79 về các điều cấm nghệ sĩ không được làm. Hành vi vi phạm của Phương Trinh là ăn mặc gây phảm cảm và có những động tác biểu diễn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt Nam, nên lệnh cấm với Angela Phương Trinh nặng hơn.
Anh đánh giá như thế nào về hành động của Phương Trinh? Những trường hợp ăn mặc và biểu diễn phản cảm như Phương Trinh theo anh nên xử lý như thế nào?
Theo tôi việc Cục NTBD ra quyết định Phương Trinh không được biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc và theo dõi đôn đốc các cơ sở kinh doanh hoạt động biểu diễn có thu tiền hay công diễn, không cho phép Phương Trinh biểu diễn đều thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục. Điều này đã cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật và hành động cương quyết của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật. Việc các nghệ sĩ biểu diễn phải tuân thủ pháp luật, phải tôn trọng và bảo vệ nét đẹp trong tuần phong mỹ tục. Nét đẹp này đã được pháp điển hóa bằng các quy định cụ thể tại các quy định của pháp luật. Tôi nghĩ Phương Trinh là người Việt Nam, là công dân Việt Nam phải có nghĩa vụ tôn trong pháp luật và tôn trọng cuộc sống.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi.
Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật:
Điều 6. Những quy định cấm:
1. Vi phạm các quy định tại Điều 3 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ.
2. Đối với tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu:
a) Thay đổi nội dung, thêm động tác diễn xuất khác với nội dung đã được phép biểu diễn;
b) Quảng cáo mạo danh nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật; quảng cáo người biểu diễn không đúng nội dung đã được cấp phép;
c) Sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
d) Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn;
đ) Thực hiện hành vi thiếu văn hóa hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại;
e) Tổ chức biểu diễn cho người đã bị cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch cấm biểu diễn.
3. Đối với tổ chức, cá nhân lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu:
a) Thêm, bớt hình ảnh hoặc âm thanh làm thay đổi nội dung bản ghi âm, ghi hình đang được phép lưu hành;
b) Nhân bản bản ghi âm, ghi hình cấm lưu hành hoặc đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy;
c) Nhân bản bản ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền.
4. Phổ biến tác phẩm nghệ thuật có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc.
5. Vi phạm các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan.
Nguyệt Cát

Bình luận(0)