Hình tượng anh hùng Kim Đồng trong nền nghệ thuật Việt Nam

Google News

Là một trong những đội viên đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, anh hùng Kim Đồng (1929-1943) đã trở thành một hình tượng bất hủ, hiện diện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam.

Anh hùng Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1928, dân tộc Nùng, tại bản Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Khi hy sinh, Kim Đồng là đội trưởng Đội Nhi đồng Cứu quốc (Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay).
Người thiếu niên dũng cảm
Sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi của chiến khu cách mạng, khi còn nhỏ Kim Đồng đã sớm được cán bộ Việt Minh giáo dục, giác ngộ. Anh đã vận động các bạn cùng lứa tuổi trong bản làm nhiệm vụ liên lạc, chuyển công văn, tài liệu, đưa đón cán bộ, trinh sát nắm tình hình địch để cung cấp cho cán bộ.
Hinh tuong anh hung Kim Dong trong nen nghe thuat Viet Nam
Tượng đài Kim Đồng tại Khu di tích Anh hùng liệt sĩ Kim Ðồng, tỉnh Cao Bằng.
Tháng 5/1941, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đội Nhi đồng Cứu quốc. Kim Đồng là một trong số năm đội viên đầu tiên và được bầu làm đội trưởng Đội Nhi đồng Cứu quốc. Được rèn luyện thử thách, Kim Đồng luôn thể hiện trí thông minh, lòng dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Rạng sáng ngày 15/2/1943, Kim Đồng được giao nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cuộc họp bí mật của Trung ương Đảng. Địch phát hiện và cho một lực lượng khá lớn bao vây hòng bắt sống các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Trước tình thế nguy hiểm, Kim Đồng đã mưu trí đánh lạc hướng, lừa địch tập trung lực lượng và hoả lực về phía mình, đồng thời phát tín hiệu cho các đồng chí cán bộ rút lui an toàn. Kim Đồng đã anh dũng hy sinh khi anh vừa tròn 15 tuổi, anh đã nêu tấm gương sáng chói cho các thế hệ thanh, thiếu niên và mọi người Việt Nam noi theo.
Ngày 23/9/1997, anh Kim Đồng - Nông Văn Dền được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hình tượng bất hủ trong nền nghệ thuật Việt Nam
Trên phương diện văn hóa nghệ thuật, anh hùng Kim Đồng đã trở thành một hình tượng bất hủ, hiện diện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam.
Trong văn học, nhà văn Tô Hoài đã tái hiện cuộc đời anh Kim Đồng với tập truyện “Kim Đồng”. Qua những câu chuyện cảm động, tác phẩm đã làm nổi bật hình ảnh anh Kim Đồng như một tấm gương sáng để các bạn nhỏ ra sức rèn luyện, học tập tốt xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ cha anh.
Hinh tuong anh hung Kim Dong trong nen nghe thuat Viet Nam-Hinh-2
Bìa sách "Kim Đồng" của nhà văn Tô Hoài. Ảnh: iSach.
Trong âm nhạc, nhạc sĩ Phong Nhã đã sáng tác bài hát “Kim Đồng” vào năm 1945 để ca ngợi những chiến công của anh. Bài hát có những lời hào hùng đã in sâu vào tâm trí hàng triệu thiếu niên, nhi đồng thời kháng chiến:
"Hờn căm bao lũ tham tàn phát xít
Dấn bước ra đi Kim Đồng lên chiến khu
Kim Đồng quê hương Việt Bắc xa mù
Kim Đồng thay cha rửa mối quốc thù..."
Trong cuộc bình chọn âm nhạc do báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học giáo dục VTV, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1999-2000, bài hát “Kim Đồng” đã lọt vào danh sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 của Việt Nam.
Trong điện ảnh, vào năm 2013, nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất anh Kim Đồng, Đài truyền hình TP. HCM đã kết hợp với các đơn vị khác để thực hiện bộ phim "Anh hùng làng Nà Mạ - Kim Đồng". Bộ phim là câu chuyện có thật về vị anh hùng thiếu niên Nông Văn Dền cùng những tấm gương nhỏ tuổi khác trong đội du kích thiếu niên làng Nà Mạ. Qua từng thước phim, thế hệ trẻ ngày nay có thể thấy rõ hơn cuộc sống, hành động, lý tưởng của một lớp thiếu niên thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Dàn diễn viên phim ""Anh hùng làng Nà Mạ - Kim Đồng". Ảnh: Minhphimmpm.
Đến năm 2015, bộ phim hoạt hình "Kim Đồng" được tạo hình bằng công nghệ 3D đã được trình chiếu trong lễ khai mạc đợt phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia.  Đây là lần đầu tiên hình tượng anh Kim Đồng bước vào hoạt hình và để lại trong lòng khán giả những cảm xúc thật trong trẻo.
Trong mỹ thuật, hình ảnh anh Kim Đồng đã được đưa vào tem Bưu chính Việt Nam thông qua bộ tem kỷ niệm 35 năm truyền thống ngành bưu điện (MS 367 - phát hành ngày 15/8/1980). Bộ tem gồm 4 mẫu do họa sỹ Trần Huy Khánh, Trần Ngọc Uyển, Nguyễn Hiệp và Trần Lương thiết kế, khuôn khổ 33x44 (mm), in ốp-xét nhiều màu tại Cuba. Trong 4 mẫu tem, mẫu tem thứ 3 giới thiệu hình ảnh anh Kim Đồng.
Hinh tuong anh hung Kim Dong trong nen nghe thuat Viet Nam-Hinh-3
Hình ảnh anh Kim Đồng trong tem bưu chính. Ảnh:  VNPost.
Vào năm 2017, Khu di tích Anh hùng liệt sĩ Kim Ðồng (tỉnh Cao Bằng) đã khánh thành công trình tranh gốm tái hiện cuộc đời người con ưu tú của quê hương Cao Bằng. 
Hinh tuong anh hung Kim Dong trong nen nghe thuat Viet Nam-Hinh-4
Tranh gốm tại Khu di tích Anh hùng liệt sĩ Kim Ðồng. Ảnh: Dân Việt.
Không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan khu di tích, bức tranh gốm này còn là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao và giàu tính giáo dục lịch sử.

Mời quý độc giả xem video: Trở về miền Bắc Việt Nam hơn 100 năm trước qua loạt ảnh quý hiếm. Nguồn: Kienthucnet. 


Thanh Bình

>> xem thêm

Bình luận(0)