Đái tháo đường ở trẻ em còn gọi là tiểu đường tuýp 1, xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ insulin.
- Đái tháo đường ở trẻ em còn gọi là tiểu đường tuýp 1, xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ insulin. Insulin là loại hormon cho phép cơ thể sử dụng đường làm năng lượng. Ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, lượng đường huyết tăng nhưng cơ thể không sử dụng được do thiếu hụt insulin.
|
Ảnh minh họa. |
Tiểu đường phụ thuộc insulin (tiểu đường tuýp 1), là loại tiểu đường chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 cần điều trị bằng insulin thì mới có cơ hội sống.
Tiểu đường tuýp 2, thường gặp ở người lớn tuổi (trên 40 tuổi) và thường gắn liền với tình trạng thừa cân. Những người này có khả năng sản xuất insulin nhưng insulin hoạt động không hiệu quả. Chế độ ăn và tập luyện có thể cải thiện đường huyết.
Nguyên nhân tiểu đường tuýp 1 không phải là do ăn quá nhiều đường hoặc bất kỳ thức ăn nào khác. Tuy nhiên, khi đã mắc bệnh cần hạn chế đường. Bệnh tiểu đường tuýp 1 không mất đi khi trẻ lớn lên cũng như không thể chuyển hóa sang tiểu đường tuýp 2 và điều trị tiểu đường là điều trị suốt đời.
Khi bệnh tiểu đường diễn tiến nhanh hoặc khi bệnh nhân được phát hiện muộn, trẻ sẽ trở nên mệt mỏi, kiệt sức. Nồng độ glucose và xêton trong máu tăng lên rất cao, tình trạng mất nước nặng xuất hiện, trẻ sẽ hôn mê. Hiện tượng này gọi là nhiễm xêton axit. Giai đoạn phát bệnh có thể cực kỳ nhanh chóng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các dấu hiệu và triệu chứng thường khó nhận biết ở trẻ lớn tuổi hơn.
Khi trẻ có những biểu hiện của bệnh tiểu đường như uống nhiều, ăn nhiều, khát nhiều, sụt ký nhanh thì nên cho bé đi khám, xét nghiệm nước tiểu (tìm glucose và xêton), xét nghiệm máu (đánh giá lượng đường huyết).
Bình thường thì nước tiểu không chứa glucose, glucose chỉ có thể tràn vào nước tiểu khi lượng đường trong máu cao. Nếu còn nghi ngờ, có thể làm thêm một xét nghiệm máu nữa gọi là xét nghiệm dung nạp glucose.
ThS.BS Lâm Văn Hoàng (Tổng Thư ký Hội Nội tiết Việt Nam)