Tật khoèo chân bẩm sinh thường xảy ra với tỷ lệ khoảng 1/1.000 trẻ sơ sinh.
- Hỏi: Tôi mang thai được 20 tuần, đi siêu âm thì phát hiện thai nhi bị dị tật khoèo 2 chân. Tôi rất lo lắng. Xin bác sĩ tư vấn giúp là sau khi sinh bé thì có cách nào để chữa trị tật chân khèo không? Khi nào thì bé có thể điều trị được? Lưu Tố Lan (huyện Nhà Bè, TPHCM).
ThS.BS Nguyễn Khắc Hân Hoan, Trưởng khoa Xét nghiệm Di truyền y học, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM trả lời: Tật khoèo chân bẩm sinh thường xảy ra với tỷ lệ khoảng 1/1.000 trẻ sơ sinh, tuy nhiên tỷ lệ này có thể tăng lên đến 3% nếu như thai có anh hoặc chị ruột bị tật khoèo chân.
Hầu hết các trường hợp bị tật này đều không rõ nguyên nhân. May mắn là y học hiện nay đã có thể điều trị tật khoèo chi (chân hoặc tay) khá hiệu quả. Các điều trị phổ biến hiện nay là phương pháp Ponseti.
Đây là phương pháp hiệu quả và ít khi gây đau cho trẻ. Điều trị thường bắt đầu từ 1 - 2 tuần sau sinh.
Tại Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, trẻ sau sinh, nếu được chẩn đoán là khoèo chi sẽ được chuyển đến Khoa Phục hồi chức năng để khám và lên kế hoạch, phương án điều trị cụ thể tùy theo loại dị tật và mức độ nghiêm trọng của nó.
Khoảng 85% các trẻ khoèo chi có kết quả điều trị rất tốt, hình thái và chức năng của chi được phục hồi ngoạn mục nếu được điều trị sớm và theo đuổi lâu dài.