Vụ bố Mai Thu Huyền: Bi kịch của người thầy thuốc

Google News

(Kiến Thức) - Dù là chính khách, người nổi tiếng hay một thường dân, đối với các bác sĩ họ đều là người bệnh cần được cứu sống và những nỗ lực của người thầy thuốc đối với từng bệnh nhân là như nhau. 

Khi kết quả không như mong muốn, thì nỗi đau của người thầy thuốc là nỗi đau day dứt vô cùng khi nhìn thấy một mạng sống bị tử thần cướp đi trong sự bất lực của mình… Tuy nhiên, trong ca tử vong bệnh nhân Mai Trung Kiên (bố diễn viên Mai Thu Huyền) tại Bệnh viện FV, một bi kịch đau xót lại đổ lên đầu chính người cầm dao mổ và gia đình của anh - BS Lê Đức Tuấn, Khoa Ngoại của Bệnh viện FV TP.HCM!

Nỗi oan không thể giãi bày 

Suốt ba tháng trời, BS Lê Đức Tuấn, bác sĩ Khoa Ngoại của Bệnh viện FV (TP. Hồ Chí Minh), và gia đình phải sống trong áp lực khủng khiếp của dư luận. Gia đình anh xót xa khi đứa con nhỏ 9 tuổi đang học lớp 4 về nhà xin bố mẹ cho con nghỉ học vì bị bạn bè dè bỉu, chế giễu: “Cha mày giết người”. Vợ anh đi chợ bị mấy bà bán rau không bán vì cho rằng “Chồng cô giết người”, người mẹ già của anh ở tuổi cổ lai hy phải từ vùng quê xa đi xe đò lên để đi chợ nấu cho gia đình nhỏ của con miếng cơm, mong con giữ sức khỏe đợi ngày minh oan. Bạn bè, đồng nghiệp người gọi điện, người nhắn tin: chia sẻ có, hờn trách có… vì không ai biết sự thật nó như thế nào. Họ không gặp được anh, nhưng tin tức trên báo chí thì mỗi ngày mỗi giờ đăng tải. Dư luận như đang sôi lên.

Phải thuyết phục rất nhiều lần, nhiều ngày, sau khi có kết luận của Bộ Y tế về ca tử vong của bệnh nhân Mai Trung Kiên tại Bệnh viện FV, chúng tôi mới được BS Lê Đức Tuấn tiếp chuyện, nhưng rồi anh lại nói: “Xin đừng viết gì về tôi cả, vì mỗi lần có tên tôi xuất hiện trên báo thì mẹ tôi ở dưới quê lại tất tả khăn gói đi xe đò lên thành phố để lo cho tôi. Tôi thấy mình thật bất hiếu. Sống hơn nửa đời người, tôi từng làm ở nhiều bệnh viện từ bệnh viện ở tỉnh đến các bệnh viện lớn ở TP.HCM và chỉ riêng 8 năm làm việc ở Bệnh viện FV tôi đã mổ hơn 1.000 ca viêm ruột thừa. Tôi đâu còn trẻ để mà bồng bột, cẩu thả trong nghề nghiệp của mình. Trong thời gian bão dư luận ấy, không có một phóng viên nào tiếp xúc hay liên lạc với tôi, nhưng họ viết về tôi, về gia đình tôi cứ như là người rất thân thuộc. Thậm chí có người còn dựng chuyện hồi tôi đi học ở trường y ham chơi, lo bồ bịch chểnh mảng học hành nên giờ mới ra cơ sự này! Trong lúc này, quả thật tôi không biết nói với ai, chia sẻ giãi bày cùng ai. Còn các phương tiện truyền thông thì ầm ĩ…”.
 Bác sĩ Lê Đức Tuấn đang tư vấn cho bệnh nhân.

Bệnh tim đã không được xử trí đúng mức

BS Tuấn kể:“Buổi tối, sau khi bệnh nhân (BN) được chuyển qua Bệnh viện Tim Tâm Đức, BS Đào Thị Mỹ Vân, khoa Hồi sức Bệnh viện FV đã điện thoại báo cho tôi là BN tôi đã mổ ruột thừa hậu phẫu ngày thứ ba đã được chuyển qua Bệnh viện Tim Tâm Đức, nhưng nghe nói là có vấn đề về ngoại khoa nên đề nghị tôi chuẩn bị sẵn tư thế để nếu bên đó mời hội chẩn thì tôi sang ngay. Tôi thay đồ và đi từ khoa Ngoại Bệnh viện FV ở lầu 6 xuống đất ngồi ở khoa Tai nạn & Cấp cứu để chờ điện thoại.

Trong lúc chờ đợi, tôi còn mở máy tính của khoa để tìm hiểu về bệnh lý mạch vành cấp của bệnh nhân thì 21 giờ 25 phút, con gái bệnh đến và yêu cầu tôi đến Bệnh viện Tim Tâm Đức để phẫu thuật. Tôi giải thích rằng tôi cần phải có thông tin y khoa từ Bệnh viện Tim Tâm Đức và lúc này vì bệnh nhân đang là bệnh nhân của Bệnh viện Tim Tâm Đức nên tôi phải đợi ý kiến của họ. Nói rồi họ bỏ đi, 5 phút sau (21 giờ 30 phút) tôi nhận được điện thoại của BS Trần Vũ Minh Thư, trưởng ca trực hồi sức Bệnh viện Tim Tâm Đức yêu cầu tôi qua bên đó để xem bệnh. 
 Bác sĩ Lê Đức Tuấn đang phẫu thuật nội soi.

Trời tối, tôi đi bộ đến Bệnh viện Tim Tâm Đức, vừa đi vừa điện thoại mời BS Gerard Desvignes, giám đốc Chuyên môn Bệnh viện FV cùng đến để hội chẩn. Khi cả hai chúng tôi đến Khoa Hồi sức Bệnh viện Tim Tâm Đức thì được BS Minh Thư giải thích rằng BN không có vấn đề về tim mạch, mà có xuất huyết trong bụng cần phải giải quyết. Nhưng qua kết quả siêu âm bụng và tình trạng lâm sàng của BN thì phẫu thuật lúc này chưa phải là tối khẩn vì chảy máu không ồ ạt mà chảy rỉ rả. Tôi và BS Gerard Desvignes bàn là nên hồi sức, truyền máu cho bệnh nhân ổn trước rồi mới mổ. Bác sĩ Minh Thư nói với chúng tôi rằng, lãnh đạo của cô ấy là BS  Vinh chỉ đạo qua điện thoại rằng BN cần được phẫu thuật ngay và nên mổ hở. Chúng tôi đã giải thích rằng vì BN này đang dùng thuốc chống đông nên sẽ rất nguy hiềm nếu mổ hở, trường hợp này nên mổ nội soi để hạn chế tối thiểu việc chảy máu thêm đồng thời mổ nội soi cho phép thăm dò toàn ổ bụng. Do Bệnh viện Tim Tâm Đức không có thiết bị thích hợp cho việc mổ nội soi, vả lại phải mất rất nhiều thời gian nếu chuyển thiệt bị này từ Bệnh viện FV qua nên cuối cùng chúng tôi đã quyết định chuyển BN về lại Bệnh viện  FV. Tôi đã giải thích với con gái BN và cô ấy đã đồng ý. 

Chúng tôi đã xử trí đúng! 

Chỉ 20 phút sau, biến cố xảy ra. Ngay trước giờ phút ấy, BN còn rất tỉnh táo khi chúng tôi đang cho truyền máu thì bỗng nhiên tim ông ấy đập không bình thường nữa và rơi vào tình trạng chết lâm sàng. BN tử vong vì thiếu máu cơ tim cấp tính. 
 BS Lê Đức Tuấn đang khám cho bệnh nhân.

Cái chết của BN lúc đầu khiến tôi bị sốc và tự nhìn nhận lại các quyết định của mình. Tôi vẫn tin rằng phẫu thuật lúc đó không phải là khẩn cấp. Bệnh nhân cần phải được truyền máu để bù lại lượng máu đã mất và cải thiện tình trạng tim. Điều quan trọng lúc đó là theo dõi về tim để xử trí. Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành dẫn lưu máu ra ngoài, và phẫu thuật lại cho bệnh nhân vào ngày hôm sau. Nhưng cho dù có phẫu thuật lại thì cũng không thể ngừng việc chảy máu vì bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc chống đông máu. Hơn nữa, nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục được truyền máu thì việc chảy máu rỉ rả không phải là vấn đề chính yếu. Bệnh tim của bệnh nhân mới là vấn đề cần được ưu tiên xử trí. Tôi thanh thản với các quyết định đúng của mình! 

Ba tháng sau khi Bộ Y tế thành lập Hội đồng Chuyên môn và đưa ra kết luận thì sự thật được sáng tỏ. Tuy nhiên, sự tổn thương, mất mát của gia đình tôi thì không dễ dàng lấy lại….”

Thu Thủy - Hà Trang

TIN LIÊN QUAN

Bình luận(0)