Trẻ ăn nhiều chất bột, đường dễ táo bón

Google News

(Kiến Thức) - Táo bón là bệnh thường gặp ở trẻ, chiếm 10% ở tất cả trẻ em và từ 1,5 - 7,5% ở trẻ em lứa tuổi đến trường.

 Ảnh minh họa.
Táo bón chức năng là nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm đa số các trường hợp, khoảng 59%. Bệnh nhi bị táo bón nhưng không ảnh hưởng đến tổng trạng, bụng không trướng to. Nguyên nhân là do trẻ ăn chế độ ăn nhiều bột và đường, thiếu chất xơ, uống ít nước, ít vận động hoặc do tâm lý như sợ bẩn (nhà vệ sinh bẩn, hôi), quen dùng thuốc nhuận trường, học hành quá căng thẳng, sang chấn tâm lý, sau phẫu thuật.
Bên cạnh đó, cũng có các nguyên khác gây táo bón như giảm nhu động đại tràng (13%), hội chứng tắc nghẽn đường ra (25%) do bệnh như tiểu đường, nhược giáp, xơ cứng bì, do thuốc như Bismuth, aluminium, sữa bù calcium, thuốc chống trầm cảm, ức chế kênh canxi. 
Để điều trị táo bón là phải tìm nguyên nhân, thay đổi chế độ ăn uống và dùng thuốc. Nếu nguyên nhân do ngoại khoa như teo đại tràng, hẹp đại tràng, bệnh Hirschsprung... điều trị phẫu thuật khi có chỉ định. Nếu do nguyên nhân nội khoa, điều trị kết hợp cùng với gia đình, thay đổi chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc.
Nếu trẻ còn bú thì người mẹ nên ăn nhiều chất xơ, tăng lượng nước uống vào. Trẻ lớn thì không cho uống trà, cà phê, tránh các thức ăn giàu bột, đường như chocolate và mứt. Tránh dùng các thuốc kháng viêm giảm đau nonsteroid, thuốc an thần và tăng dùng trái cây thực phẩm có chất xơ. Ngoài ra, nên tập thói quen đi cầu cho trẻ, giảm thiểu hoặc loại bỏ những áp lực ở trường học và nâng đỡ tâm lý cho trẻ.
Việc dùng thuốc chống táo bón phải theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Hiện có các loại thuốc chống táo bón như thuốc tạo khối phân, thuốc nhuận tràng, thuốc xổ, thụt tháo...  Để phòng ngừa táo bón, cần phải cho trẻ uống nước nhiều, ăn rau quả, thực phẩm nhiều chất xơ, tập thói quen đi tiêu đúng giờ, không nhịn đi tiêu và vận động. 
DS Nguyễn Như Hiền (Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM)

Bình luận(0)