Thủng ruột vì dùng thuốc giảm đau

Google News

Khoa tiêu hóa của các bệnh viện thường phải tiếp nhận các bệnh nhân bị đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí suy đa tạng phủ gây tử vong do dùng các thuốc chống viêm, giảm đau …

 Thăm khám cho bệnh nhân Trúc.

Thủng ruột 
 
Ông Đỗ Văn Trúc, 83 tuổi (quận Tây Hồ, Hà Nội) được đến viện cấp cứu trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, da tái, đi không vững, huyết áp tụt, đi ngoài ra máu... Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân đã bị chảy mất khoảng 3l máu. Nội soi dạ dày cho thấy, có nhiều máu đọng vào hành tá tràng, dạ dày có nhiều ổ loét chảy máu, đặc biệt có một ổ máu vẫn đang chảy mạnh.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã phải tiêm thuốc cầm máu trực tiếp vào ổ loét qua nội soi cho bệnh nhân. Cũng may ông Trúc đến viện sớm nên chưa nguy hiểm tới tính mạng. Nhiều trường hợp đến viện muộn bị trụy tim mạch, thủng dạ dày... nguy cơ tử vong rất cao.
 
Ông Trúc cho hay, ông bị đau cột sống do dãn dây chằng nên đã đi tiêm 3 mũi giảm đau, sau đó ông bị đau bụng dữ dội và đi ngoài ra máu đen liên tục 15 phút/lần suốt cả đêm và đến sáng ông phải đi cấp cứu. 
 
BSCKII Vũ Đức Chung - Chủ nhiệm khoa Tiêu hóa BV 304 - cho biết, gần đây, bệnh viện thường phải tiếp nhận các bệnh nhân bị đau bụng, loét dạ dày, chảy máu dạ dày... do dùng thuốc kháng đau, giảm viêm nhóm không steroid. Riêng xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày – tá tràng... khoa Nội tiêu hóa mỗi năm cũng có trên 10 trường hợp và hầu hết phải truyền máu. Đa phần bệnh nhân là người già, bị các bệnh đau đầu, đau lưng, đau khớp... dùng thuốc trong thời gian dài, nhưng có những trường hợp, dùng lần đầu, thậm chí dùng đúng theo đơn của bác sĩ cũng bị.
 
Nguyên nhân - theo BS Chung - nhóm kháng viêm, giảm đau không steroid thường có 3 tác dụng: Giảm đau, chống viêm, hạ sốt, được quảng cáo là không gây nghiện nên rất nhiều người sử dụng.

Tuy nhiên, thuốc có rất nhiều tác dụng phụ: Sốt, mệt mỏi, chướng bụng, rối loạn thị giác, nhiễm độc gan, tăng men gan... và hay gặp nhất là tác dụng phụ về đường tiêu hóa. Đặc biệt, việc viêm loét, thủng dạ dày, không phụ thuộc vào uống thuốc lúc ăn no hay đói vì thuốc có tác dụng phản ứng vào máu. Khi thuốc có tác dụng giảm đau cũng là lúc dạ dày bị ảnh hưởng do tác dụng không mong muốn của thuốc. Giảm đau càng mạnh, ảnh hưởng đến dạ dày nói riêng và đường tiêu hóa nói chung càng nhiều vì thuốc ức chế chất bảo vệ dạ dày nên dễ dàng gây viêm loét, chảy máu và thủng dạ dày – tá tràng. 
 
Tương tự, tại BV T.Ư Quân đội 108, PGS-TS Triệu Triều Dương - Chủ nhiệm khoa Ngoại nhân dân - cho biết, khoa cũng thường phải mổ cho các bệnh nhân bị thủng dạ dày - tá tràng vì dùng thuốc giảm đau, kháng viêm nhóm không steroid. PGS-TS Dương phân tích, trong các thuốc chống viêm giảm đau ngày càng nhiều và phong phú, nhóm không steroid hoặc nhóm không đặc hiệu là thuốc dùng nhiều trong lâm sàng. Việc sử dụng phải theo nguyên tắc và quy trình nghiêm ngặt đòi hỏi phải có bác sĩ chỉ định, tránh tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi. Tuy nhiên, do người dân ở nước ta có thói quen tự dùng thuốc hoặc bác sĩ chỉ định 1 lần sau đó tiếp tục dùng thường xuyên các loại thuốc loại này dẫn đến những tác hại lâu dài. 
 
Tử vong 
 
BSCKII Vũ Đức Chung cảnh báo, các thuốc giảm đau chống viêm có cả dạng tiêm và uống, là thuốc dễ mua nên nhiều người lạm dụng. Không kể những trường hợp cấp cứu vì nôn ra máu, ỉa ra máu... do thuốc, thì nhiều trường hợp dùng thuốc chỉ thấy bụng ậm ạch, khó tiêu... nội soi đã thấy xung huyết, viêm loét cấp tính dạ dày – tá tràng  (bệnh salami).  

Đặc biệt, trong thời gian công tác của mình, bác sĩ đã gặp hai trường hợp bệnh nhân tử vong vì dùng các loại thuốc này. Bệnh nhân đến nhập viện trong tình trạng bị suy đa phủ tạng do uống thuốc, lại chủ quan không biết, vẫn tiếp tục dùng thuốc, thuốc lại có tác dụng giảm đau, chỉ đến khi quá nặng mới đến viện thì gan, thận, tim... đều suy, kể cả được lọc máu thì cũng khó có thể cứu được.
 
Điều BSCKII Vũ Đức Chung lo ngại là hiện nay tuổi thọ của người VN ngày được nâng cao, trong khi họ lại có rất nhiều bệnh mạn tính như: Đau đầu, thoái hóa khớp, đau lưng... cộng với sức khỏe kém, các bộ phận đều suy, niêm mạc dạ dày mỏng. Đây là đối  tượng thường xuyên dùng thuốc giảm đau. Vì vậy, nếu không quản lý chặt loại thuốc này thì ngày càng có nhiều người bị viêm loét, thủng dạ dày... vì thuốc. 
Theo VietNamnet

Bình luận(0)