Hải quân Mỹ vừa lên kế hoạch chuẩn bị cho tương lai, bằng ý tưởng về những tàu sân bay lớp Gerald R Ford (CVN-78) trang bị các kiểu máy phóng có khả năng phóng nhiều máy bay không người lái.
“Tàu sân bay lớp Gerald R. Ford được nâng cấp mạnh hơn các mẫu tàu trước (Nimitz, Enterprise), sử dụng công nghệ tiên tiến với boong phóng máy bay rộng hơn, radar mạnh hơn. Lò phản ứng hạt nhân và các hệ thống động lực cũng được nâng cấp, nhằm đảm bảo đủ cho các máy phóng có thể hoạt động tốt”, Phó Đô đốc Thomas J.Moore, chịu trách nhiệm điều hành dự án, cho biết.
Các tàu sân bay Gerald R. Ford dự tính sẽ phục vụ cho đến năm 2110 với boong tàu rộng hơn và công suất mạnh gấp 3 lần các tàu sân bay lớp Nimitz. Nên dễ hiểu là sức chiến đấu của tàu sân bay lớp Ford sẽ cao hơn nhiều.
Dự kiến, tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) sẽ được hạ thủy vào tháng 11 năm nay, và chính thức phục vụ trong biên chế vào năm 2016. Chúng sẽ thay thế dần các tàu sân bay lớp Nimitz trong 50 năm tới.
Theo đó, tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78), bây giờ sắp hoàn thành, tiếp theo sẽ là các các tàu USS John. F. Kennedy (CVN-79) đi vào hoạt động năm 2025 và tàu USS Enterprise (CVN-80) dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2027.
Các tàu sân bay lớp Gerald R. Ford được thiết kế với 4 động cơ tuốc bin có tổng công suất 26.000MW, radar mạng pha hai băng tần và hệ thống phóng điện từ EMALS trên boong tàu. Hệ thống điện và động lực của các tàu sân bay lớp Ford được cho là hiện đại hơn các tàu trước rất nhiều.
|
Phác họa hình ảnh tàu sân bay USS Gerald R.Ford (CVN-78).
|
Đô đốc Moore cũng cho biết, trong tương lai rất có thể các vũ khí chùm tia sử dụng năng lượng cao hoặc tia laser để đánh chặn tên lửa diệt hạm sẽ thay thế cho các hệ thống pháo cao tốc Phalanx hay tên lửa Sea Sparrow. Do đó, tàu sân bay Gerald R. Ford được tính toán sử dụng nhiều năng lượng trong hoạt động, và động cơ phải đảm bảo được điều này.
“Thực tế thì việc tăng cao mức độ tự động hóa, điều khiển bằng máy tính sẽ làm giảm chi phí và gia tăng vòng đời của tàu”, ông Mike Petters, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tập đoàn Huntington Ingalls Industries cho hay. Điều này được cho là tiết kiệm đến 4 tỉ USD.
Petters và Moore cũng giải thích tại sao các tàu sân bay lớp Ford được thiết kế với một đài chỉ huy nhỏ hơn một chút để cho phép không gian boong lớn hơn, do đó làm tăng khả năng mang phóng máy bay của tàu.
Nhận định chung, tàu sân bay Ford tiếp tục thừa kế nhiệm vụ của các tàu sân bay trước đó, nhưng với máy bay không người lái, nó làm điều đó tốt hơn rất nhiều lần. Một vùng bao quát rộng hơn, giám sát chiến trường hiệu quả hơn, tấn công chính xác hơn, đó là thế mạnh của tàu sân bay lớp Ford mà Mỹ muốn hướng đến.