Liên tục phát hiện vi khuẩn “ăn thịt người”
Thời gian gần đây, nhiều người dân lo ngại về sự xuất hiện của một loại vi khuẩn “ăn thịt người”. Sự việc thật sự đáng cảnh báo khi một người đàn ông Mỹ (55 tuổi) đã bị loại vi khuẩn này tấn công vào cánh tay và dẫn đến tử vong.
|
Loại vi khuẩn này có tên khoa học là Aeromonas Hydrophila (AH), dạng hình que, thường gặp ở vùng có khí hậu ấm, ở môi trường nước ngọt và nước lợ.
|
Trước đó, hãng tin AP cũng cho hay, một người phụ nữ tên Aimee Copeland (24 tuổi) sống tại thành phố Carrollton, bang Georgia, Mỹ đã bị nhiễm một chủng vi khuẩn có khả năng gây chứng viêm cân hoại tử (Necrotizing Fasciitis), một dạng viêm mô liên cầu. Vi khuẩn xâm nhập vào các vết thương và phá hủy những mô xung quanh.
Nguyên nhân khiến Aimee bị loại vi khuẩn này xâm nhập là do cô bị thương và ngã xuống dòng sông.
Theo Giáo sư Buddy Creech, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Vanderbilt tại Mỹ, chứng viêm cân hoại tử của Aimee do một vi khuẩn có tên Aeromonas Hydrophila (AH) gây nên. Loại vi khuẩn này sống trong những dòng sông và suối ấm.
Phần lớn người không gặp triệu chứng gì khi phơi nhiễm AH, song nó có thể gây hậu quả trên cơ thể một số cá nhân. Chúng tiết ra các chất độc khiến mô cơ, mỡ và da bị hủy hoại. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ước tính 550 tới 1.000 người bị hoại tử mỗi năm vì AH trên toàn thế giới. Khoảng 25% nạn nhân tử vong.
Không chỉ ở Mỹ, Hồng Kông cũng từng xuất hiện trường hợp bị vi khuẩn “ăn thịt người”. Tờ Straits Times đưa tin, một người đàn ông Hồng Kông đã lâm vào tình trạng nguy kịch sau khi bị nhiễm một loại vi khuẩn "ăn thịt" (Vibrio vulnificus). Người này được nhập viện tuần trước sau khi bị ngã chấn thương chân trái trong một khu chợ ẩm ướt. Sau đó ông này được xác định bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt.
Giới chức y tế đang tiến hành điều tra thêm, tuy nhiên xác nhận rằng loại vi khuẩn trên thường tự nhiên tồn tại trong nước biển ấm, và có thể thâm nhập cơ thể qua các vết thương hở miệng. Các bác sĩ cho biết loại vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng máu và tử vong trong vòng một ngày, đặc biệt ở những người có vấn đề về gan.
|
Hoại tử cẳng chân (ảnh lớn) do vi khuẩn Aeromonas Hydrophila (ảnh nhỏ). |
Từng có nhiều người Việt Nam bị vi khuẩn "ăn thịt người" tấn công
Theo thống kê của Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương, tại Việt Nam đã từng ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm vi khuẩn AH.
Trong các năm 2009 - 2013, đã có hàng chục ca nhiễm trùng huyết do vi khuẩn AH, trong đó nhiều ca bệnh do đứt chân tay khi làm việc dưới nước, trong đó một bệnh nhân lội cống nước thải, một bệnh nhân làm việc ở khu vực nước ngâm bè nứa. Cá biệt, có trường hợp bắt cá, bị ngạnh cá đâm vào tay gây nhiễm trùng huyết và hoại tử.
Gần đây nhất, bệnh nhân P.V.T, 40 tuổi, quê tỉnh Thái Bình, nhập viện ngày 12/4 trong tình trạng sốc nặng, viêm hoại tử lan tỏa khắp cánh tay bên trái. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, một ngày sau đó xuất hiện sưng nề cẳng tay trái rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp cánh tay và lên vai.
Sau khi điều trị 10 ngày, anh T. thoát khỏi tình trạng sốc và nhiễm khuẩn huyết nhưng do hoại tử toàn bộ da cánh tay bên trái nên được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia để ghép da.
Vi khuẩn “ăn thịt người” có thực sự đáng sợ
Theo GS-TS Phùng Đắc Cam, chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đúng là có tồn tại một loại vi khuẩn “ăn thịt người”. Loại vi khuẩn này có tên khoa học là Aeromonas Hydrophila (AH), dạng hình que, thường gặp ở vùng có khí hậu ấm, ở môi trường nước ngọt và nước lợ.
Vi khuẩn này được tìm ra vào năm 1962. Đây là loại vi khuẩn độc, chúng có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường miệng (qua nước uống, rau, cá, hải sản) rồi đi vào máu. Chúng sinh ra độc tố ruột, gây độc cho tế bào, làm tổn thương tổ chức cơ thể. Tuy nhiên, chúng được xếp vào vi khuẩn gây bệnh cơ hội, tức là thường chỉ gây bệnh trong môi trường ô nhiễm, thay đổi nhiệt độ, trên cơ địa của những người bị suy giảm miễn dịch.
Theo G.S Cam để loại vi khuẩn này xâm nhập được vào trong cơ thể thì cần phải có nhiều yếu tố như: nồng độ vi khuẩn phải trên 10 mũ 10, người nhiễm vi khuẩn phải có hệ miễn dịch yếu (so sánh với vi khuẩn Shigella gây bệnh lỵ thì chỉ cần nồng độ 10 mũ 2, hoặc vi khuẩn Salmonella thì phải 10 mũ 3 mới đủ gây bệnh).
Vi khuẩn AH rất dễ bị tiêu diệt khi dùng các kháng sinh Sulfamit, chloramphenicol, tetacyclin, ciprfloxacine- những loại thuốc rất dễ mua. Vi khuẩn này kháng với penicilin, ampicilin, amoxillin và cephalothin. Chúng cũng rất dễ loại trừ bằng các dung dịch formol 2%, cồn 70%, cồn iode, nước javel.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, biện pháp phòng loại vi khuẩn này tốt nhất là tránh tiếp xúc nước bẩn khi có vết thương, xây xát trên da. Những người làm nghề thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn như công nhân vệ sinh, cống rãnh, người nuôi cá, tôm… nên có các trang bị phòng hộ phù hợp. Sau khi tiếp xúc nước bẩn có nhiễm trùng vết thương hoặc mắc các bệnh về đường tiêu hóa nên đến cơ sở y tế điều trị sớm.
TIN LIÊN QUAN