Thông tin trên được đài phát thanh Echo Moscow dẫn lời Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin. Cũng theo ông này, Armata sẽ chỉ trình diễn ở quy mô hẹp cho lãnh đạo quốc gia Nga chiêm ngưỡng (không công khai).
“Nguyên mẫu Armata mới sẽ trình diễn trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo cấp cao Nga”, ông D. Rogozin cho biết và không hé lộ thêm bất kỳ thông tin nào về sự kiện này.
Nhà máy Uralvagonzavod hiện chịu trách nhiệm phát triển Armata. Với tiến độ hiện tại, dòng xe tăng thế hệ mới của Nga sẽ ra mắt nguyên mẫu vào cuối năm 2013. Tới năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga sẽ ký hợp đồng mua 16 Armata mới để phục vụ quá trình thử nghiệm đánh giá chất lượng và thực chiến.
Dự kiến, Armata sẽ chính thức vào biên chế quân đội Nga từ năm 2015.
|
Ảnh đồ họa do nhà thiết kế 3D tự vẽ về siêu tăng Armata. |
Toàn bộ thông tin kỹ - chiến thuật của Armata hiện vẫn được giữ bí mật. Theo các thông tin mới nhất, Armata sẽ được trang bị module chiến đấu tự động hóa hoàn toàn cho phép sử dụng tháp pháo đặc khác với xe tăng truyền thống. Ngoài ra, xe tăng mới còn được thiết kế dạng module hóa cho phép đơn giản hóa việc nâng cấp và sửa chữa trên chiến trường.
Armata mới với quy chuẩn về đặc tính kỹ - chiến thuật, hệ thống nạp đạn, cơ cấu khoang lái và thiết bị hỗ trợ điều khiển bắn mới. Cơ cấu nạp đạn tự động của Armata sẽ gồm 32 cơ số đạn tùy chọn cho các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau và có khả năng vừa di chuyển vừa bắn.
Công nghệ sử dụng để chế tạo Armata được kế thừa từ một số dự án xe quân sự khác, trong đó có loại T-95 và Black Eagle (T-80UM2). Armata sẽ được trang bị thiết bị điện tử số hóa và cơ cấu giáp cách tân. Toàn bộ kíp lái sẽ ngồi hoàn toàn dưới thân xe và kết cấu tháp pháo đặc.
Nga phát triển nền tảng Armata mới để thay thế các dòng xe tăng T-72, T-80 và T-90. Ngoài ra, khung gầm cơ sở Armata còn phù hợp để thiết kế xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành và nhiều phương tiện chiến đấu lục quân khác.