Bác sĩ Triệu Văn Trường - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Chị Ng.T.O (42 tuổi, ở Diễn Châu, Nghệ An) nhập viện ngày 11/3 với biểu hiện trướng bụng, khó đại tiện. Theo lời kể của bệnh nhân, tình trạng trướng bụng, khó đại tiện đã diễn ra từ 3 tháng nay nhưng chị đi khám, siêu âm nhiều nơi đều không phát hiện ra bệnh gì. Thấy cơ thể cứ tăng cân dần và tập trung vào phần bụng, chị Ng.T.O nghĩ mình “béo” lên.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, sau khi làm các xét nghiệm và chụp chiếu, chị Ng.T.O được các bác sĩ chỉ định cho chụp CT và phát hiện khối u lớn trong ổ bụng, choán gần hết diện tích ổ bụng, đã xâm lấn thận phải. Nếu không phẫu thuật, khối u sẽ xâm lấn vào các tạng khác, có thể không phẫu thuật được và ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Sau khi được hội chẩn giữa các chuyên khoa liên quan, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ khối u, giải phóng ổ bụng.
TS.BS Trần Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Đây là một ca bệnh khó, khối u có kích thước lớn, xâm lấn vào thận phải và các bộ phận khác trong ổ bụng, đòi hỏi phải có một ekip phẫu thuật đồng bộ, phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm và sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các chuyên khoa sâu (tiêu hóa, tiết niệu, mạch máu, g ây mê hồi sức…) bởi có thể phải làm nhiều phẫu thuật cùng một lúc.
|
Khối u nặng 10 kg sau khi được phẫu thuật lấy ra khỏi ổ bụng bệnh nhân. Ảnh: BV cung cấp. |
Ngày 25/3, bệnh nhân được bác sĩ Triệu Văn Trường cùng ekip thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 3h đồng hồ. Đây là trường hợp hiếm gặp, vài năm mới gặp 1 ca và trong gần 20 làm nghề, đây là ca thứ hai bác sĩ Trường thực hiện. Khối u có kích thước lớn, có thời gian phát triển hàng năm rồi nhưng không được phát hiện. Khối u đã xâm lấn vào thận phải. Do đó, ngoài cắt bỏ khối u, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ quả thận phải của bệnh nhân. Khối u cân nặng tròn 10kg, có kích thước 40cmx35cmx16cm.
Mặc dù phải mổ mở và đường mổ rộng nhưng bệnh nhân không phải truyền máu trong và sau phẫu thuật. Sức khỏe của bệnh nhân cũng hồi phục nhanh chóng. Ngày thứ 3 sau mổ, bệnh nhân đã có thể tự ngồi dậy, tập lý liệu pháp như tập ho, tập thở, tập bóng… Ngày thứ 10 sau mổ, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, có thể tự ăn cháo, không ho, không sặc, không sốt và bệnh nhân đã được các bác sĩ chuyển sang Trung tâm Y học hạt nhân Ung bướu để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Gặp chị Ng.T.O vào ngày chị trở lại bệnh viện tái khám, chị phấn khởi cho biết: Cắt bỏ được khối u đúng là nhẹ, khỏe cả người. Trước đây mình cứ nghĩ đơn giản là béo, không ngờ lại có khối u to như thế trong người, gặp ai cũng bảo chửa. Sau khi ra viện, cả làng đến chúc mừng vì “giảm cân” thành công.
Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo: Người dân nên có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng - 12 tháng/lần và nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, nên đến cơ sở y tế thăm khám, kiểm tra để được phát hiện và điều trị kịp thời.