Mọi người thường không biết hoặc có biết mình bị polyp dạ dày nhưng chủ quan, không điều trị có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa hoặc ung thư.
(Kienthuc.net.vn) - Tự dưng bị nôn ra máu tươi lẫn máu cục ồ ạt, khi đi cấp cứu mới biết bị chảy máu tiêu hóa do polyp dạ dày. Thực tế mọi người thường không biết hoặc có biết mình bị polyp dạ dày nhưng chủ quan, không điều trị có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa hoặc ung thư.
|
Nội soi phát hiện và cắt polyp dạ dày. |
25% nội soi dạ dày phát hiện polyp
Bà Phạm Thị B. (76 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội) từ trước đến nay khoẻ mạnh, không có bệnh gì ở đường tiêu hoá. Tự nhiên bà thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nôn ra máu tươi lẫn máu cục ồ ạt, gia đình đưa đến Bệnh viện 354 cấp cứu được chẩn đoán là chảy máu tiêu hoá.
Các bác sĩ tiến hành nội soi có gây mê phát hiện bệnh nhân có 1 polyp lớn ở thân vị phía bờ cong lớn bị loét trợt gây chảy máu. Bệnh nhân được điều nội khoa tích cực, kết hợp với truyền máu. Sau 1 tuần bệnh nhân ổn định, các bác sĩ đã nội soi cắt khối polyp lớn cho bệnh nhân. Rất may cho bệnh nhân khi xét nghiệm tế bào là polyp lành tính.
Trường hợp như của bà B. không phải là hiếm, thậm chí không ít trường hợp mất mạng do chảy máu polyp, ung thư do polyp dạ dày. Khi xuất huyết dạ dày bệnh nhân có biểu hiện nôn ra máu hoặc tiêu ra máu; cả nôn và tiêu ra máu, bệnh nhân choáng váng, chóng mặt và nếu nặng có thể bị ngất xỉu.
Polyp dạ dày là những bướu lồi nhỏ ở niêm mạc dạ dày, gặp khá thường xuyên, chiếm tỷ lệ khoảng 25% trường hợp bệnh nhân nội soi tiêu hóa trên. Có nhiều loại polyp khác nhau tùy thuộc vào loại tế bào tạo thành polyp, có thể có một hay rất nhiều polyp với kích thước có thể thay đổi từ vài mm tới 15 - 20cm, có những bệnh chỉ có polyp ở dạ dày nhưng cũng có những bệnh có polyp ở dạ dày và ở ruột non, đại tràng như bệnh polyp thiếu niên, bệnh polyp mang tính di truyền. Bệnh polyp kèm theo suy kiệt, rụng tóc, teo móng tay và có sắc tố ở da.
Đa phần polyp dạ dày được phát hiện tình cờ qua nội soi dạ dày, nhưng nhiều trường hợp bị biến chứng chảy máu gây nôn ra máu, đi ngoài ra máu, hoặc nôn nhiều do polyp quá to chèn vào lỗ môn vị (nơi dạ dày nối với ruột) gây hẹp môn vị hoặc ung thư.
|
Khối polyp được lấy ra từ bệnh nhân B. |
30% polyp tuyến bị ung thư
Đa số polyp dạ dày đều lành tính, không có tiềm năng hóa ác nên nhiều người bệnh chủ quan. Thực tế, polyp dạ dày có nhiều loại như polyp tăng sản ít có khả năng ung thư nhưng loại polyp u tuyến thì khả năng trở thành ung thư rất cao, trung bình tới 30% và đây là con đường phổ biến dẫn đến ung thư xâm nhập.
Đặc biệt, vấn đề khó khăn trong điều trị polyp dạ dày là không thể phân biệt được polyp lành tính hay polyp tuyến có tiềm năng hóa ác chỉ bằng nội soi dạ dày. Do đó, cần cắt bỏ tất cả các polyp dạ dày, đặc biệt những polyp lớn hơn 1cm. Đối với những bệnh nhân có nhiều polyp nhỏ, nên cố gắng cắt ít nhất 5 polyp có kích thước lớn nhất. Khi đã cắt bỏ polyp và quan sát bằng giải phẫu bệnh sẽ dễ dàng xác định được typ polyp và khi đó chỉ cần tiếp tục theo dõi các polyp dạ dày dạng tuyến để phòng ngừa ung thư mà thôi.
BSCK II Vũ Đức Chung (Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354)