Khi bệnh tình của Tổng thống Mỹ bị rò rỉ, chính phủ nước này vẫn cố gắng bảo mật thông tin thực sự bằng cách lái nó đi theo hướng khác.
- Khi bệnh tình của Tổng thống Mỹ, vốn được coi là thông tin tuyệt mật, bị rò rỉ, chính phủ nước này vẫn cố gắng bảo mật thông tin thực sự bằng cách lái nó đi theo hướng khác.
Tránh mặt
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, việc tìm kiếm sự ủng hộ đối với Hòa ước Versailles và thúc đẩy sự thành lập Hội Quốc Liên là tất cả những gì Tổng thống thứ 28 của Mỹ Woodrow Wilson quan tâm.
Bất chấp lời khuyên của các bác sĩ, ông Wilson bắt đầu chuyến công tác không ngừng nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của người dân Mỹ trên khắp đất nước. Di chuyển liên tục và phát biểu 3 lần mỗi ngày, ông Wilson bắt đầu kiệt sức và thường xuyên than phiền về bệnh đau đầu, mất ngủ trong suốt chuyến đi.
Ngày 25/9/1919, sau bài phát biểu tại Pueblo (Colorado, Mỹ), Tổng thống bất tỉnh. Chuyến đi bị hủy bỏ, ông Wilson được đưa về Nhà Trắng. Cơn đột quỵ sau đó đã khiến ông không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của một Tổng thống. Tuy nhiên, chỉ có Đệ nhất phu nhân Edith Bolling Wilson, bác sĩ riêng Cary T. Grayson, thư ký riêng của Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ biết được điều này. Không ai được quyền gặp ông.
Rõ ràng là việc giữ bí mật về sức khoẻ không ổn định của Tổng thống là điều không thể. Thay vì nói thật bệnh tình của Tổng thống, những người có liên quan đã thông báo với Nội các và báo chí rằng ông bị suy sụp thần kinh và cần được nghỉ ngơi.
Gần 6 tháng sau đột quỵ, Woodrow Wilson không tham dự bất cứ buổi họp Nội các nào. Tuy nhiên, ngay cả khi Wilson xuất hiện tại một cuộc họp vào tháng 4/1920 trong thể trạng suy nhược, hầu hết các thành viên Nội các vẫn không được biết sự thật về sức khoẻ của ông.
Tổng thống Wilson vẫn hoàn thành nhiệm kì thứ 2 của mình trước khi qua đời vào năm 1924. Các nhà sử học tin rằng, những quyết định quan trọng của Tổng thống thực tế là do bác sĩ, người phụ tá thân cận và vợ ông đưa ra.
|
Một trong những bức ảnh ngồi xe lăn hiếm hoi của Tổng thống Roosevelt. |
Biến có thành không
Mặc dù bệnh bại liệt của Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt không phải là điều bí mật, Nhà Trắng vẫn hạn chế tới mức tối đa hình ảnh của một Tổng thống không hoàn toàn khoẻ mạnh.
Trong số những bức ảnh về ông Roosevelt từng được công bố, chỉ có 2 - 3 bức ảnh chụp ông ngồi trên xe lăn. Nhiều người Mỹ thậm chí còn không biết Tổng thống của mình bị liệt bởi tại Nhà Trắng, không ai được chụp những bức ảnh ông ngồi trên xe lăn hoặc cần có người giúp đỡ khi di chuyển, các phóng viên gần như đều chỉ chụp hình ông từ thắt lưng đổ lên.
Khi dùng bữa tối với khách, ông thường được đẩy tới phòng ăn trước khi mọi người tới và cũng là người đầu tiên ngồi vào ghế, còn chiếc xe lăn sẽ được đưa ra khỏi đó.
Những người gặp Tổng thống thứ 32 này trong giai đoạn tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 năm 1944 đều sốc vì vẻ bề ngoài của ông. Bác sĩ chuyên khoa tim Howard G. Bruenn tại Bệnh viện Hải quân Bethesda chẩn đoán rằng ông bị bệnh tim cao huyết áp, viêm phế quản và suy tim, song phát ngôn viên của ông Roosevelt vẫn quả quyết với họ rằng không có điều gì phải lo lắng. Chưa đầy 1 tháng trước cuộc bầu cử, bác sĩ riêng của Tổng thống Ross T. McIntire, mặc dù biết bệnh nhân của mình không thực sự khỏe mạnh, vẫn khẳng định rằng thể trạng của ông Roosevelt "hoàn toàn tốt".
Để tránh áp lực từ phía Washington, ông Roosevelt thường được đưa tới nghỉ ngơi tại một căn nhà được gọi là "Little White House" (Tạm dịch: Nhà Trắng thu nhỏ) tại Warm Springs, Georgia.
Biến nặng thành nhẹ
Trong khi đi nghỉ tại Denver (Colorado, Mỹ) tháng 9/1955, Tổng thống thứ 34 của Mỹ Dwight Eisenhower bất ngờ bị đau tim. Khác với nhiều người tiền nhiệm, ông chỉ đạo thư ký báo chí James Hagerty công khai tình trạng của mình.
Mặc dù vậy, những gì mà công chúng được biết thông qua truyền thông thời điểm đó lại nhẹ nhàng hơn nhiều. Đó là bởi bác sĩ Howard Snyder, bác sĩ riêng của Tổng thống, đã trì hoãn việc công bố về cơn đau tim này lâu nhất có thể, đồng thời yêu cầu thư ký riêng của Tổng thống trả lời tất cả mọi người rằng ông Eisenhower bị "rối loạn tiêu hóa".
Những vụ dàn dựng theo kiểu biến nặng thành nhẹ như thế này không phải hiếm gặp trong lịch sử nước Mỹ.
Tháng 3/1981, chưa đầy 3 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bị tay súng John Hinckley Jr bắn vào ngực. Theo ông Jerrold M. Post, Giám đốc chương trình Tâm lí Chính trị tại Đại học George Washington (Mỹ), lúc này Tổng thống "bị liệt nặng", phổi bị thương khiến ông phải sử dụng bình xịt. Tuy nhiên, để trấn an dư luận, chỉ một tuần sau vụ ám sát, Tổng thống đã xuất hiện theo một cách đặc biệt: các đoạn tin tức phát đi đều chiếu hình ảnh ông này "vui vẻ vẫy tay từ cửa sổ phòng mình".
Lê My (Theo Healthmedialab, WebMD)