Nguyên nhân thoái hóa cột sống ở nhân viên văn phòng

Google News

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh lý cột sống gia tăng là thói quen làm việc sai tư thế của nhân viên văn phòng.

- Hiện chưa có thống kê chính xác để nói về tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa cột sống, tuy nhiên, đây là bệnh lý cột sống rất phổ biến, chiếm trên 60% bệnh lý chỉnh hình cột sống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý cột sống gia tăng, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là thói quen làm việc sai tư thế của nhân viên văn phòng.

Ngồi theo thói quen

Chúng tôi đã có mặt tại Công ty Korea Express Sài Gòn; Công ty AEG, nơi có nhiều nhân viên văn phòng. Qua điều tra phát 50 phiếu với những câu hỏi do chúng tôi tự lập như: Bạn có biết tư thế làm việc sai ảnh hưởng đến cột sống như thế nào? Bạn đã ngồi đúng tư thế? Bạn tự nghĩ tư thế cho mình hay ngồi theo tiêu chuẩn nào?...
 
Đối tượng hỏi chủ yếu là nhân viên văn phòng, những người làm việc từ 5 - 12 năm trong môi trường văn phòng. Đa số câu trả lời đều biết là việc ngồi sai tư thế sẽ ảnh hưởng đến bệnh lý cột sống, tuy nhiên mọi người thường tự điều chỉnh tư thế làm việc mà mình cảm thấy thoải mái, dễ nhìn, dễ ngồi, chứ không theo một quy chuẩn nào. Tóm lại, mọi người vẫn ngồi theo thói quen là chính và sau mỗi buổi làm việc ai cũng cảm thấy đau, mỏi cổ, gáy, lưng...

PV phát phiếu thăm dò tại Công ty Korca Express Sài Gòn.
PV phát phiếu thăm dò tại Công ty Korca Express Sài Gòn.
PGS.TS Trần Đình Chiến, Bệnh viện 103 cho biết, thoái hóa đốt sống cổ và lưng là bệnh hay gặp nhất trong bệnh lý cột sống, không chỉ ở những người già mà còn ở cả những người trẻ làm việc trong văn phòng, ít vận động, phải cúi nhiều. Tư thế sai là một trong những nguyên nhân gây ra thoái hóa đốt sống cổ, lưng. Đặc biệt là làm việc máy tính nhiều, ít vận động là một trong những nguyên nhân gây ra thoái hóa đốt sống cổ, vôi hóa cột sống, gai cột sống...
 
Các dấu hiệu điển hình của bệnh có thể dễ nhận thấy là cổ cứng nhắc, khó xoay chuyển kèm với dấu hiệu đau. Khi bị thoái hóa các khớp, có thể bị biến dạng, sưng, gây đau, làm hạn chế vận động. Người bệnh cũng có thể bị rối loạn thần kinh thực vật ở vùng cổ, vai, tay, làm cho hẹp động mạch đốt sống, gây ra tình trạng thiếu máu miền não sau, làm cho bệnh nhân thấy ù tai, mờ mắt, chóng mặt... Thoái hoá đốt sống cổ còn có thể gây bại liệt một hoặc hai tay, gây hội chứng chèn ép tủy, cổ, rối loạn cảm giác tứ chi...

9 tiêu chuẩn của tư thế làm việc đúng

Tư thế ngồi làm việc với máy tính: IE
Tư thế ngồi làm việc với máy tính: IE
TS Nguyễn Thu Hà, Phòng Tâm sinh lý lao động, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường cho biết, một tư thế làm việc đúng cần tuân thủ 9 tiêu chuẩn gồm: Vị trí làm việc; bề mặt làm việc; ghế và tựa lưng; khoảng để chân; tư thế người lao động; góc nhìn và tầm nhìn; chiếu sáng; môi trường làm việc; giải lao.
 
Qua đó, người lao động cần làm việc bảo đảm tư thế thoải mái, cột sống có độ cong tự nhiên, không phải vươn người, vẹo trái, phải, có ghế tựa lưng, chân ở tư thế nghỉ ngơi trên sàn hoặc bục để chân, góc khủy tay khoảng 90 độ, góc thân mình và đùi trong từ 90 - 120 độ.
 
Nếu ghế cao quá phải kê chân, độ dốc khoảng 30 độ, ghế phải điều chỉnh độ cao từ 35 - 50cm, rộng tối thiểu 45cm, không sắc cạnh, có độ nghiêng 0 - 10 độ. Chiều cao mặt bàn làm việc nên ở 65 - 75cm và nên sử dụng giá đỡ bàn phím. Tầm nhìn thích hợp nhất 50cm, góc nhìn tốt nhất trong khoảng 10 - 30 độ dưới đường ngang mắt người lao động. Cạnh trên của màn hình phải dưới tầm mắt.
 
Độ sáng cần đảm bảo đủ ánh sáng, bao gồm ánh sáng chung và ánh sáng tại chỗ, tránh bị chói, lóa. Về thời gian nghỉ ngơi, sau mỗi giờ làm việc liên tục với máy tính cần có thời gian nghỉ ngơi cho mắt, khi nghỉ ngơi nên thư giãn nhẹ cho các cơ và mắt  bằng  cách nhìn xa, nhắm - mở...

 

 
Chỉ muốn nằm sau ngày làm việc
Mặc dù tôi cũng biết là có một số tiêu chuẩn về ngồi làm việc, nhưng đa phần chúng tôi ngồi theo thói quen, tự chỉnh bàn, ghế, máy tính như không quá thấp, mắt không quá gần máy tính.

 

Công ty cũng chỉ có đèn chiếu chung, còn đèn chiếu riêng thì tự túc nhưng đa phần không ai sử dụng. Hoặc nhiều khi công việc bận cũng không đứng lên nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ. Nhiều người bận con cái, nên toàn làm một lèo cho xong, chẳng có thời gian giải lao. Sau một buổi làm việc, tôi thường cảm thấy đau lưng, cổ, khi về nhà chỉ muốn nằm - Chị Nguyễn Thu Na (Hà Đông, Hà Nội)

 

 
Giải lao tùy thuộc vào mức độ công việc
Tôi đã làm việc trong văn phòng 10 năm nay, đau mỏi lưng là chuyện thường. Nếu lúc cần ngồi lịch sự trong làm việc thì tôi sẽ phải ngồi nghiêm chỉnh, nhưng tư thế này rất mỏi, chỉ ngồi được một lúc.

 

Còn thông thường tôi hay ngồi theo cách nào khiến mình thoải mái nhất như co chân lên một chút, lưng cúi xuống, không cần thẳng quá... Còn giải lao thì tùy vào mức độ công việc. Khi nhiều việc, khát nước cũng chẳng lấy uống được huống chi là giải lao.

Chị Phạm Thu Hương (Cty Korea Express Sài Gòn)

Phạm Hằng
[links()]

Bình luận(0)