Nguy cơ nhiễm độc từ rác thải hóa chất trong gia đình

Google News

Nếu không để ý những chất thải trong sinh hoạt hằng ngày, thải bỏ đúng cách thì sẽ nguy hại tới sức khoẻ con người.

- Những rác thải trong sinh hoạt hằng ngày của các gia đình như pin, bình ắc quy, bình  đựng chất tẩy rửa kính, gỗ, xịt diệt côn trùng hay bóng đèn tuýp hỏng...đều được coi là rác thải nguy hại. Nếu không để ý, thải bỏ đúng cách thì sẽ nguy hại tới sức khoẻ con người.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thói quen thờ ơ trước rác sinh hoạt độc hại

Một khảo sát nhỏ của phóng viên tại các hộ gia đình thuộc quận Gò Vấp,  quận 12  và quận Tân Bình (TPHCM) cho thấy, 100% số gia đình đều nghĩ là rác sinh hoạt không có thứ nào... độc hại. 85% gia đình có các loại bao bì chứa các chất tẩy rửa như thuốc tẩy toilet, bếp, lau kính, xịt côn trùng, pin tiểu, bình ắc quy xe máy cũ được dồn vào một góc sân, góc nhà, gầm cầu thang, góc tủ bếp để khi cần... sử dụng lại! Chỉ có 15% đổ chung các loại bao bì này vào rác sinh hoạt hằng ngày.

Chị Đỗ Thị Linh (122/17, KP1, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM) cho rằng: "Chất tẩy rửa đã dùng hết, chỉ còn vỏ thì không còn nguy hại nữa nên xếp cùng vào khu chứa vật dụng nhà bếp".

Bà Trần Thị Hoài (nhà P7, cư xá 26, phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) kể: "Tuần trước, khi tôi thay pin cho điều khiển ti vi, chưa kịp bỏ rác, thế là đứa cháu 2 tuổi của tôi lẫm chẫm chạy tới nhặt bỏ luôn vào miệng ngậm, do ngứa lợi mọc răng nên cháu cắn pin may mà phát hiện kịp".

Chị Mộng Hiếu (số 3, Đỗ Công Tường, quận Tân Bình) cho biết: Ngày nghỉ cuối tuần ở nhà, cu cậu con chị 4 tuổi khá là hiếu động. Nhân lúc mẹ mải lo nấu ăn, cu cậu ra sau nhà nhặt luôn hộp chứa hóa chất tẩy rửa toilet đổ nước vào rồi dùng làm ống phun nước, hóa chất còn lại trong bình rớt ra tay, từ tay cu cậu lại dụi lên mắt, tay thì ngứa phát ban đỏ, mắt cay xè khiến cu cậu khóc toáng lên. Chị Hiếu vội rửa sạch mắt và tay cho con và hôm sau chị phải đưa cháu đi bác sĩ...

Trong nhà chị Đỗ Thị Linh, rác thải chất tẩy rửa để lẫn với dụng cụ nấu ăn.
Trong nhà chị Đỗ Thị Linh, rác thải chất tẩy rửa để lẫn với dụng cụ nấu ăn.

Nan giải xử lý chất thải nguy hại trong gia đình

ThS Nguyễn Kim Thanh, giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang, TPHCM cho rằng: Những chất thải nguy hại bị phơi nhiễm là từ hóa chất trong hộp chứa là chính. Khi sử dụng người dùng thường bảo quản cẩn thận, nhưng sau khi dùng hết đa số lại quẳng xó, có hộp mất nắp, hoặc vỡ, thủng... Đa số các chất tẩy rửa có chứa các chất nguy hại như amôniac, axit sunfuríc. Ngoài ra, chất formaldehide có thể hiện diện trong phần lớn các gia đình ở một số sản phẩm như sơn latex, vải, vật liệu bằng nhựa trong xe hơi và đồ gỗ. Đây là những chất ô nhiễm có bản chất là hợp chất hữu cơ bay hơi, gây kích ứng mắt, da và họng cũng như gây triệu chứng như cúm, nổi mề đay và các bệnh về thần kinh.

GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện TN & MT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TPHCM đặc biệt quan tâm tới vấn đề chất thải nguy hại trong gia đình là pin tiểu, những đồ dùng liên quan tới pin, ắc quy. Theo ông, khả năng nhiễm chì  của trẻ gấp 4 lần so với người lớn. Không nên cho trẻ tiếp xúc và chơi với những cục pin đã hỏng. Đã có nhiều bậc phụ huynh không lường trước những nguy hại của pin làm trẻ ngộ độc mạn tính và đến một giới hạn nhất định sẽ gây ung thư, thiếu máu cho trẻ. Chì có đặc tính là nằm lại trong cơ thể rất lâu, tác động mạnh lên tế bào não non trẻ, có độc tính cao với não, và có thể gây đột tử nếu ngộ độc nặng.

Theo bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Quỹ tái chế chất thải (TPHCM), chưa có một tiêu chuẩn nào cho việc xử lý chất thải nguy hại trong gia đình. Trước mắt, sẽ hướng dẫn các hộ gia đình các cách thu gom, chứa rác thải sinh hoạt nguy hại để phân loại lưu trữ sao cho an toàn chờ ngày đem đến điểm thu gom.
 
Cách thiết thực nhất mà các hộ gia đình cần biết là thực hiện để giảm nguy cơ gây hại cho chính gia đình mình và môi trường thông qua việc sử dụng những hóa chất chuyên dụng. Trong quá trình sử dụng tuyệt đối không sang chiết hóa chất sang bao bì khác vì bản thân các vỏ bình đã được nhà sản xuất tính đến độ an toàn. Đặt tránh xa khu bếp nấu chế biến thức ăn và trẻ em, vệ sinh sạch bình, lọ, hộp nhựa trước khi lưu kho.
Khi mua các hoá chất tẩy rửa nên quan tâm đến các chỉ dẫn độc hại, cách sử dụng và  chỉ mua đủ dùng và dùng đủ lượng. Nếu còn dư không nên đổ xuống mương máng, cống rãnh, chôn lấp... để bảo vệ môi trường trong sạch cho gia đình và cộng đồng.
Quỳnh Hương  

Bình luận(0)