Tờ Sputnik đưa tin cho hay, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định loại bỏ Antonov An-70 khỏi chương trình máy bay vận tải quân sự thế hệ mới của nước này sau khi mối quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Ukraine hoàn toàn rơi vào bế tắc.
An-70 vốn là chương trình hợp tác phát triển máy bay vận tải quân sự tầm trung thế hệ mới giữa Nga và Ukraine nhằm thay thế cho dòng máy bay vận tải An-12 đã lỗi thời, trong đó Nga là nước hỗ trợ tài chính nhiều nhất. Chính vì vậy mà Bộ quốc phòng Nga đang xem xét việc đòi lại 2,95 tỷ rúp (tương đương 100 triệu USD theo tỷ giá vào năm 2010) từ công ty chế tạo máy bay Antonov của Ukraine sau khi chương trình An-70 đổ vỡ.
|
Chương trình An-70 nhanh chóng đổ vỡ theo mối quan hệ giữa Kiev và Moscow.
|
Chương trình máy bay vận tải hạng trung An-70 được giới thiệu lần đầu tiên từ những năm 1980, tuy nhiên do thiếu hụt về mặt kinh phí và hạn chế về mặt công nghệ đã khiến chương trình này liên tục bị Antonov trì hoãn. Đến năm 2009, Nga và Ukraine đã ký một thỏa thuận liên chính phủ nhằm tái khởi động lại An-70 với hy vọng về tiềm năng mà nó có thể mang lại cho cả Nga lẫn Ukraine.
Tuy nhiên, với cuộc đảo chính ở Kiev vào tháng 2 năm ngoái đã buộc Nga phải rút khỏi liên doanh phát triển An-70 với Ukraine. Trong khi mà Antonov cũng đã hoàn tất quá trình phát triển và thử nghiệm trên không đối với các nguyên mẫu đầu tiên của An-70 và theo dự kiến những chiếc đầu tiên sẽ được biên chế cho Quân đội Ukraine vào trong năm nay.
|
Mặc dù mất An-70 nhưng Quân đội Nga vẫn có lựa chọn thay thế xứng đáng là IL-476.
|
Trước đây, Bộ quốc phòng Nga đã lên kế hoạch mua ít nhất khoảng 60 chiếc máy bay vận tải An-70 trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2020 với giá trị mỗi chiếc lên tới 67 triệu USD. Và để thay thế Quân đội Nga đã phải lựa chọn những chiếc máy bay vận tải quân sự hạng nặng chiến lược thế hệ mới IL-476.
Việc Nga loại bỏ An-70 có thể sẽ là đòn giáng mạnh của Moscow vào chương trình này mặc dù An-70 là một trong những ứng cử viên sáng giá trong các dòng máy bay vận tải quân sự cùng loại trên thị trường quốc tế.Tuy nhiên nó sẽ không thể trụ nổi nếu không có sự giúp đỡ từ Nga trước các đối thủ sừng sỏ khác đến từ Airbus, Lockheed Martin, và Embraer.