Tờ Sputnik đưa tin, Nga đã chuẩn bị hoàn tất cho quá trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng thế hệ mới Sarmat của nước này vào năm 2016 hoặc 2017, sau khi hoàn tất thử nghiệm sơ bộ trong năm nay.
Một nguồn tin từ Bộ quốc phòng Nga cho hay, nếu các thử nghiệm tên lửa Sarmat trong năm 2015 diễn ra suôn sẻ thì nó sẽ được đưa vào thử nghiệm chính thức trong năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
|
Theo kế hoạch Nga sẽ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat trong năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
|
Các thử nghiệm sơ bộ ban đầu là một trong những quy trình bắt buộc của ngành công nghiệp tên lửa Nga, trước khi một loại tên lửa được phép phóng thử nghiệm chính thức. Theo đó tên lửa đạn đạo Sarmat sẽ được kiểm tra công suất nâng của động cơ bằng một phương tiện đặc biệt và quá trình này có thể sẽ được thực hiện vào cuối năm nay.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga - Yuri Borisov cho biết, các thử nghiệm sơ bộ của tên lửa Sarmat đã được lên kế hoạch trong năm nay, bên cạnh đó Chỉ huy lực lượng tên lửa Chiến lược Nga – Đại tướng Sergei Karakayev còn phát biểu rằng, Nga sẽ đưa vào trang bị các tên lửa hạng nặng thế hệ mới trong năm 2020.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới Sarmat của Nga có tầm bắn hiệu quả khoảng 5.500km và nó được đự dịnh sẽ thay thế cho tên lửa R-36 (định danh NATO Satan) đang được lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga sử dụng trong giai đoạn từ giữa năm 2018 cho đến 2020.
|
ICBM Sarmat sẽ thay thế hoàn toàn các tên lửa đạn đạo R-36 mà Quân đội Nga đang sử dụng.
|
Cho đến hiện tại các thông số kỹ thuật của tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat vẫn chưa được Nga công bố, ngoài việc cho biết tên lửa đạn đạo này có thể mang theo số lượng đầu đạn nặng khoảng 10 tấn.
Theo phân loại của hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START giữa Nga và Mỹ, tên lửa đạn đạo hạng nặng là các tên lửa có trọng lượng nặng trên 105 tấn. Điển hình như R-36 của Nga có tổng trọng lượng là 211 tấn và có thể mang theo số lượng đầu đạn nặng 8,7 tấn.