Chỉ cần uống vào mỗi buổi sáng, Viagra của Himalaya sẽ khiến "lò xo giường bạn phải bật tung lên" vào mỗi tối.
- Chỉ cần uống vào mỗi buổi sáng, Viagra của Himalaya sẽ khiến “lò xo giường bạn phải bật tung lên” vào mỗi tối.
50.000 USD cho nửa cân “sâu nấm”
Có thể nói đó là cái giá “trên trời” cho loại nấm hình con sâu. Thế nhưng, người dân Mỹ không ngần ngại móc túi ra từng ấy tiền để theo đuổi cái gọi là "thần dược tình yêu” mà những người bán hàng hứa hẹn.
Theo Thomas Leung, chủ cửa hàng đông y Trung Quốc tại khu phố Grand, các quý ông lớn tuổi không ngại chi tiền để thưởng thức món cocktail “sâu nấm” trị giá 200 USD/cốc, với hy vọng có thể “hồi xuân” cuộc “yêu” của họ.
|
Các quý ông lớn tuổi không ngại chi tiền để thưởng thức món cocktail “sâu nấm” trị giá 200 USD/cốc |
“Thần dược” có tên là Viagra của Himalaya. Theo những người bán hàng thì thuốc không có tác dụng ngay lập tức nhưng chỉ cần uống vào mỗi buổi sáng, Viagra của Himalaya sẽ khiến “lò xo giường bạn phải bật tung lên” vào mỗi tối.
Ở phương Đông, thảo dược này được biết tới với tên “Đông trùng hạ thảo” hay gọi tắt là “trùng thảo”. Sở dĩ nó được gọi là Viagra của Himalaya bởi được thu nhặt nhiều nhất từ vùng cao nguyên Himalaya, ở độ cao 3.500m trở lên. Mùa thu hoạch thường là đầu mùa xuân hoặc trước mùa mưa gió mùa.
|
Nó được gọi là Viagra của Himalaya bởi được thu nhặt từ vùng cao nguyên Himalaya |
Làm 1 tháng đủ sống cả năm...
Ở Nepal, trong khoảng một tháng thu hoạch, số tiền kiếm được có thể đủ sống cả năm. Những người dân du mục nghèo khổ trước nay chỉ gắn với nghề chăn thả gia súc giờ đã có xe mô-tô để đi lại, sở hữu căn hộ trong thành phố, có tiền cho con đi học và thuê người làm việc vặt trong làng.
|
Người dân xếp hàng tại một lán thu mua trùng thảo để chờ bán. |
Nguồn lợi thu được khiến ngày càng nhiều người đổ xô đi tìm trùng thảo. Nhưng với một số người, nó chỉ mang lại cho họ sự đau khổ cùng cực. Con đường tìm kiếm “thần dược” chứa đầy mồ hôi, nước mắt và cả máu.
... nhưng phải cực kỳ may mắn
“Để tìm trùng thảo thì phải cực kỳ may mắn. Có người đào suốt một tuần chẳng tìm thấy gì. Nhưng cũng có người gặp may, tìm được đến 300 con”, Dekyi Lhamo, một phụ nữ trẻ người Tây Tạng nói, trong khi tay thoăn thoắt phủi sạch lớp bụi bám trên bó trùng thảo tươi sống.
|
Người dân địa phương leo trên đồi cỏ để tìm kiếm trùng thảo. |
Lực lượng chính trong công cuộc “săn lùng” trùng thảo lại chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Theo họ thì 2 “dụng cụ” chính để tìm kiếm chính là bàn tay và đầu gối.
|
2 “dụng cụ” chính để tìm kiếm chính là bàn tay và đầu gối. |
Theo Lajia Caidan, chủ tịch hiệp hội Đông trùng hạ thảo ở tỉnh Thanh Hải (TQ): “Loài nấm này chỉ nhú lên trên mặt đất một chút nên rất khó tìm. Một người không có kinh nghiệm cả ngày chỉ nhặt được khoảng 3-4 con nhưng một người biết cách nhặt có thể kiếm được 20 con trở lên một ngày”.
|
Người không có kinh nghiệm cả ngày chỉ nhặt được khoảng 3-4 con |
Mồ hôi và máu
Công việc tìm kiếm đông trùng hạ thảo rất nặng nhọc và căng thẳng. Dù vào mùa xuân nhưng ở độ cao 4.000m, không khí rất nóng bức, oi ả.
|
Phía trong túp lều dựng trên đồi của người dân địa phương đi thu nhặt trùng thảo. |
Thời tiết khắc nghiệt không phải là kẻ thù duy nhất của những người đi tìm trùng thảo. Tháng 7/2009, 7 người đàn ông từ vùng Gorkha của Nepal đến thu nhặt trùng thảo đã bị giết bởi một nhóm người dân địa phương đang cố “bảo vệ bãi cỏ của mình”. Nhóm đàn ông bị tấn công bằng gậy và dao, sau đó ném xác xuống hẻm núi sâu.
|
Mỗi con trùng thảo được tìm thấy thu hút hàng trăm ánh mắt thèm muốn |
Một tội ác, một lời nguyền
Với rất nhiều người dân sống ở đây, trùng thảo giống như một lời nguyền. Nhiều người tin rằng nó không mang lại điều gì ngoài sự xúi quẩy.
Tại khu làng Humde thuộc dãy Himalaya, khi màn đêm buông xuống, Sangay Gurung, một người dân địa phương cùng vợ ngồi quây quần bên lò sưởi, chuẩn bị bữa đêm với cơm và rau.
|
Người dân xúm lại nhìn một người đàn ông vừa tìm được trùng thảo. |
Sangay ngỏ ý muốn bán một ít trùng thảo cho phóng viên của BBC đến thăm khu vực. Sangay nói con trai anh ta đã nhặt nó và anh ta thì không muốn giữ nó lại.
|
"Thế hệ trẻ giờ khác rồi. Chúng không tin vào sự trừng phạt hay tôn giáo, vậy nên chúng đang kiếm tiền nhờ thứ này" |
“Theo tôn giáo của chúng tôi, kinh doanh trùng thảo là một tội ác. Cha mẹ đã dạy tôi điều này và tôi luôn tuân thủ. Tôi đã 53 tuổi nhưng chưa một lần động tay nhặt nó. Nhưng thế hệ trẻ giờ khác rồi. Chúng không tin vào sự trừng phạt hay tôn giáo, vậy nên chúng đang kiếm tiền nhờ thứ này”, Sangay cho biết.
Thu Thương (Theo BBC, Global Times, Nat Geo, NPR)