Kinh hoàng suy thận do lây bệnh từ... chuột

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh do Hanta virus có tử suất cao và không có thuốc đặc trị, chỉ áp dụng phương pháp điều trị hỗ trợ như thở oxy, lọc máu nếu bị suy thận... 


TPHCM suốt 10 năm (2002 - 2012) mới có 3 ca nhiễm Hanta virus. Vậy mà chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã liên tục tiếp nhận 2 ca bệnh. Điều đáng ngại là cả 2 bệnh nhân đều không bị chuột cắn, không tiếp xúc với chuột.

Không bị chuột cắn cũng nhiễm Hanta virus

Anh Nguyễn Văn N. (39 tuổi, quốc lộ 50, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM) điều trị tại Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM do bị nhiễm Hanta virus. Anh N. nhập viện trong tình trạng sốt cao từng cơn suốt 4 ngày, nôn ói, ăn uống kém. Anh N. cho biết, trước đó anh hoàn toàn khoẻ mạnh và chưa từng bị chuột cắn, không chơi với chuột nhưng khu vực nhà anh sống thì rất nhiều chuột. 

BSCK I Phạm Kiều Nguyệt Oanh, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực -
Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đang khám cho
bệnh nhân Trần V.T. 


Ngày 17/5, BSCK I Phạm Kiều Nguyệt Oanh, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận một ca nhiễm Hanta virus bị hội chứng về thận kèm sốt xuất huyết. Bệnh nhân Trần V.T. (41 tuổi, quận 10, TPHCM) được bệnh viện quận 10 chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng sốt cao ngày thứ 6, đau nhức mình mẩy, xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu giảm, bệnh nhân không có biểu hiện của sốt xuất huyết nhưng lại có dấu hiệu suy thận. Đặc biệt, bệnh nhân này nghiện rượu nên bác sĩ phải điều trị thêm các triệu chứng sảng rượu. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân đã ổn định, cai máy thở, tiếp xúc được, ăn cháo...

TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, bệnh nhiễm Hanta virus gây ra do chuột, virus có nhiều trong phân, nước tiểu của chuột. Người bị nhiễm do hít phải những giọt khí dung từ nước tiểu, phân chuột phóng uế trong nhà. Người hít phải vào phổi sẽ nhiễm bệnh.

Bệnh ngày càng dễ bùng phát

TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu cho rằng, không phải là bệnh do Hanta virus bây giờ nhiều hơn trước. Trước đây, hệ thống giám sát chuột ít hơn bây giờ, xét nghiệm cũng hạn chế hơn, bác sĩ chủ yếu dựa vào lâm sàng của bệnh. Còn hiện nay, hệ thống giám sát chuột ở nhiều quận/huyện và xét nghiệm bằng phương pháp Elisa cho kết quả nhanh nên việc chẩn đoán và điều trị sớm, do đó hầu hết các bệnh nhân đều được điều trị thành công.

BSCK I Phạm Kiều Nguyệt Oanh cho biết thêm, bệnh do Hanta virus có tử suất cao và không có thuốc đặc trị, chỉ áp dụng phương pháp điều trị hỗ trợ như thở oxy, lọc máu nếu bị suy thận... Nếu bị chuột cắn hoặc có tiếp xúc với những nơi chuột sinh sống mà bị sốt, đau nhức người thì phải đến các bệnh viện có chuyên Khoa Truyền nhiễm hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Hương Bùi

Bình luận(0)