Kinh hoàng bệnh tật do tắm bơi

Google News

(Kiến Thức) - Hiện nay, đa số mọi người không biết rằng tắm ở sông, hồ hay bể bơi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người.


Mùa hè, được bơi lội, dầm mình trong nước là sở thích của phần lớn người dân. Những "thiên đường" bơi lội ngoài các bể bơi còn có môi trường nước tự nhiên như: biển, sông, hồ, ao.

Tuy nhiên, ở môi trường nào cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh, thậm chí đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người, nếu không được xử lý kỹ càng. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp bị nhiễm độc do nước bể bơi, tử vong do đuối nước khi tắm ở sông hồ hay bị đỉa, vắt chui vào “vùng kín” cơ thể. Không những thế, người tắm còn có thể mắc các bệnh da liễu bởi nguồn nước hiện nay ở các sông hồ kể cả ở nông thôn cũng bị ô nhiễm trầm trọng.

 Tắm ở môi trường nước tự nhiên cần đề phòng ô nhiễm gây bệnh tai hại cho da, mắt và cơ thể. Ảnh: Tiền Phong.

"Bể bơi thiên nhiên" ô nhiễm

Nước thải từ các doanh nghiệp, khu cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư... xử lí chưa đạt tiêu chuẩn hoặc chưa qua xử lí đổ trực tiếp ra hệ thống sông, kênh, mương đã làm cho chất lượng nước trên nhiều tuyến sông bị ô nhiễm với mức độ ngày một nghiêm trọng.

Theo một số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường TP. HCM cho thấy, mức độ ô nhiễm trên một số kênh, rạch trên địa bàn thành phố đang ở mức báo động như: hệ thống kênh Tàu Hũ- Bến Nghé đã gia tăng từ 19.000 đến 95.000 lần so với 6 tháng đầu năm 2005. Riêng kênh Tân Hóa – Lò Gốm bị ô nhiễm nặng nề nhất với thành phần chủ yếu là BOD5 trong 6 tháng đầu năm đã biến thiên trong khoảng từ 90 mg/l đến 164 mg/l, cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. 

Tháng 3/2012, nguồn nước ở dòng sông Hồng, phục vụ cho dân sinh 9 tỉnh, thành phố mà nó đi qua, còn được gọi là "bể bơi thiên nhiên" cho rất nhiều người lớn và trẻ em ở Hà Nội và các vùng dọc sông, bị ô nhiễm trầm trọng. Dòng nước bỗng nhiên đổi màu và bốc mùi hôi thối. Ông Lưu Đức Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường tỉnh Lào Cai, khẳng định tình trạng nước sông Hồng bị ô nhiễm là do nước thải và chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp và từ các khu dân cư ở thượng nguồn thải ra.

Một số liệu khái quát hơn, theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, có tới 71% số ao hồ ở Hà Nội có chỉ số đánh giá ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép, 14% bị ô nhiễm hữu cơ rất nặng, 32% bị ô nhiễm nhẹ.
 
 Tăm sông, suối tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Ảnh minh họa.


Bể bơi công cộng kinh hoàng hóa chất

Không chỉ môi trường tự nhiên nước bị ô nhiễm, ở các bể bơi nhân tạo, lượng hóa chất được dùng để khử khuẩn cũng khá "giật mình". Các hóa chất thường dùng để tẩy sạch nước ở các bể bơi là: Clo, brom, iod, clo dioxit, axit hypoclorit và muối của nó, ozone, kali permanganate, hydro peroxit. Hiện nay, ngoài các bể bơi ở các khách sạn cao cấp, bể bơi chất lượng cao được "quảng cáo" làm sạch bằng ozone, đa số bể bơi công cộng vẫn khử trùng bằng những hóa chất phổ biến, đặc biệt là Clo.

Theo khảo sát của Kiến Thức, tại nhiều hồ bơi tập trung ở các khu dân cư với giá bình dân, đa số hàm lượng các chất hóa học trên là vượt ngưỡng cho phép. Tại những bể bơi này, lưu lượng người tham gia bơi (trong đó có cả người lớn và trẻ em) rất đông nên thường được sử dụng nhiều loại hóa chất để khử mùi cũng như làm nước trong hơn.

Qua kiểm tra, có khá nhiều bể bơi có dư hàm lượng chất Clo, như tại Hải Phòng, có tới 12/21 bể bơi có hàm lượng Clo dư thừa.

Một số nghiên cứu mới đây đã cho phát hiện chấn động: vận động trong hồ bơi khử trùng bằng Clo có thể tăng nguy cơ ung thư ở người. Theo một nghiên cứu mới được đăng trên chuyên san Environmental Health Perspectives, lần đầu tiên các nhà hóa học đã phân tích được chính xác điều gì đang hiện diện trong một hồ bơi công cộng ở Barcelona (Tây Ban Nha). Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học môi trường nước đã xác định được hơn 100 phụ phẩm hóa chất trong nước hồ bơi. Trong đó có nhiều loại rất độc. Một số loại chưa bao giờ được phát hiện trong bất cứ hồ bơi nào hoặc trong nước uống khử trùng bằng Clo.

Đặc biệt, hậu quả ghê gớm của Clo là sự gia tăng mạnh những dấu hiệu tổn thương ADN có thể dẫn đến ung thư. Sự tập trung của 4 loại (trong số những phụ phẩm thông thường) cao hơn gấp 7 lần sau khi người ta bơi. Các phụ phẩm hóa chất của Clo có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua da. Đó là chưa kể người bơi có thể hít phải không khí ô nhiễm hóa chất trên bề mặt nước, khi chúng trở nên dễ bay hơi.

 Bể bơi đủ tiêu chuẩn là bể không có hóa chất độc hại, không có vi khuẩn gây bệnh lây nhiễm, lưu lượng người bơi đủ và đầy đủ các phương tiện giữ vệ sinh và an toàn cho người bơi. 

Rước bệnh vào thân

Trả lời phỏng vấn báo chí, bác sĩ Võ Thị Bạch Sương (giảng viên bộ môn Da liễu, trường ĐH Y Dược, TP.HCM) khuyến cáo: "Cái nắng của những ngày hè khiến người ta đến hồ bơi nhiều hơn những tháng khác, do vậy, đây cũng là yếu tố khiến hồ bơi ô nhiễm hơn ở thời điểm này".

Theo bác sĩ Bạch Sương, có ba nhóm nguy cơ bệnh khi đi tắm hồ bơi, đó là: Trong nước hồ bơi có chất sát trùng, khi tiếp xúc có thể gây khô da, khô tóc, hoặc gây kích ứng da đối với một số người da nhạy cảm; bên cạnh đó còn có nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm như mụn cóc, trùng roi… nếu nước hồ không được sát khuẩn tốt. Nếu tắm lúc trời đang nắng gắt, một số bệnh da như tàn nhang, nám, mụn, viêm da ánh sáng, lupus ban đỏ… có thể nặng thêm.

Việc mắc các bệnh khi tắm ở hồ bơi nói riêng và khi tắm ở sông suối nói chung, đều có nguy cơ mắc những căn bệnh dưới sau. 

Các bệnh ngoài da: như viêm da do nhiễm khuẩn, do nấm; các tổn thương da do hóa chất khử khuẩn, các loại hóa chất khác (được sử dụng tại các bể bơi); các thương tổn da do ánh nắng mặt trời. Viêm da do nhiễm khuẩn có nguyên nhân do vi khuẩn sinh sống trong nước tại các bể bơi (vi khuẩn gram âm, trực khuẩn mủ xanh...) với biểu hiện bằng những tổn thương trên da như các nốt viêm, sưng nề, hóa mủ.

Các bệnh đường tiêu hóa: Khi đi bơi có thể lây nhiễm một số bệnh như lỵ trực khuẩn, tiêu chảy cấp do E. Coli. Bệnh sẽ biểu hiện một hai ngày sau nhiễm vi khuẩn với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, mót rặn, phân nhày máu hoặc tiêu chảy. Tiêu chảy cấp cũng có thể do Giardia, một loại ký sinh trùng hay gặp trong nước bẩn. Bên cạnh đó, bệnh lý viêm dạ dày ruột cấp do Norwalkvirus, viêm gan virut A cũng được cho là bệnh lý gặp ở người đi bơi.

Bệnh lý ống tai, đặc biệt hay gặp ở người đi bơi (nhất là ở trẻ em). Khi đi bơi, nước có thể vào các ống tai, làm ướt ống tai, tạo môi trường viêm nhiễm ở những ống tai có nhiều ráy tai hoặc các ống tai đã bị tổn thương trước đó. Tổn thương là các ổ viêm, gây đau nhức, ngứa ngáy khó chịu, có thể chảy nước vàng thậm chí cả mủ, ù tai, giảm thính lực nếu ổ viêm to che lấp ống tai ngoài và nhiều khi thương tổn có thể lan sâu vào phía trong. Nguyên nhân viêm ống tai gồm hai nhóm chính do vi khuẩn và do nấm.

Bệnh lý lây nhiễm qua đường sinh dục tiết niệu rất nên được chú ý khi đi bơi (ở phụ nữ). Các bệnh lý viêm nhiễm này có nguyên nhân do vi khuẩn hoặc nấm. Các tác nhân gây bệnh có thể từ những người đi bơi đang bị viêm nhiễm hệ tiết niệu sinh dục lây sang người khác. Ngoài ra, các bệnh lý khác như cơn hen phế quản (ở những người có cơ địa nhạy cảm với hóa chất), viêm phổi thùy (do hít sặc phải nước bể nhiễm khuẩn), nấm tóc, tóc giòn, dễ rụng do hóa chất... cũng có thể xuất hiện sau khi đi bơi.

 Ảnh minh họa.

Bơi sao cho an toàn

Bơi lội là một nhu cầu không thể thiếu của rất nhiều người nhưng phải có biện pháp dự phòng sao cho vẫn thỏa mãn sở thích mà vẫn an toàn. Trước hết, người đi bơi phải có ý thức chấp hành các biện pháp giữ vệ sinh chung của bể bơi như tắm gội sạch sẽ trước khi xuống bể, không khạc nhổ, tiểu tiện ra bể, không nên đi bơi khi đang ốm mệt, đang có các bệnh ngoài da, bệnh lây nhiễm, thời kỳ “đèn đỏ” của chị em. 

Khi đi bơi nên chọn những bể bơi sạch, đủ tiêu chuẩn vệ sinh, số lượng người bơi vừa đủ và mang đủ các phương tiện phòng hộ như kính, mũ bơi...

Về phía các cơ quan quản lý bể bơi, cũng nên đảm bảo vệ sinh sạch sẽ bể bơi, thay nước thường xuyên, không nên lạm dụng hóa chất sát khuẩn nước, cung cấp đầy đủ nước tắm, xà phòng... cho người bơi tắm rửa sạch sẽ trước và sau khi bơi.  Đồng thời, nên lấy các mẫu nước bể bơi để xét nghiệm kiểm tra nồng độ hóa chất, nuôi cấy hoặc soi tươi tìm vi khuẩn, nấm... định kỳ thường xuyên để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho người đi bơi.

Đối với những trường hợp tắm sông tắm suối thì cần phải hết sức chú ý vì hiện nay, nguồn nước tự nhiên đang bị ôi nhiễm nghiêm trọng nên rất dễ sinh bệnh. Ngoài ra, việc bị côn trùng, đỉa và các sinh vật dưới nước chui vào cơ thể là rất lớn. Vì thế, cách tốt nhất để bảo vệ mình là nên từ bỏ sở thích tắm sông suối. 

Các chất hóa học thường sử dụng trong hồ bơi

Chlorine: Hợp chất này chứa chlorine dùng để diệt khuẩn cho nước hồ- Giữ được OCl- trong nước lâu. Theo quy định của học viện hồ bơi quốc tế (NSPI), hàm lượng chlorine tiêu chuẩn có trong nước hồ là từ 1- mg/l (hay từ 1-3ppm).

Acide: Hợp chất này dùng để giảm độ kiềm và pH nước hồ cao hơn mức quy định của NSPI. Độ kiềm tiêu chuẩn là từ 60 – 180mg/L. Độ pH tiêu chuẩn là 7,2-7,8.

Chất diệt rong: Hợp chất này chứa benzalkonium chlorine, có tính năng diệt khuẩn, rong rêu, tảo, nấm và ngăn chặn sự hình thành của chúng trong hồ.

Chất làm xanh: Hợp chất này làm cho nước hồ màu xanh trong như màu nước biển mà không gây bất cứ tác hại nào cho người tắm.

Chất làm tăng độ kiềm – chất nâng pH (Soda – Na2CO3): Khi độ kiềm trong nước giảm sẽ là nguyên nhân gaya giảm độ pH. Hợp chất dùng để nâng tổng độ kiềm, đồng thời nâng độ pH cho nước hồ. Theo quy định của NSPI: Hàm lượng kiềm tiêu chuẩn là từ 60 – 180mg/l. Độ pH tiêu chuẩn là: 7,2 – 7,8.

Nhựa cation (Đức): Hợp chất này dùng để mềm nước, giảm độ cứng của nước hồ, quy định là độ cứng <300mg/L ...

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Xu Hào Luộc

Bình luận(0)