"Hiện tôi chưa nhận được báo cáo của Bình Định, có lẽ mấy ngày nghỉ Tết nên họ chưa gửi. Có thể qua ngày nghỉ sẽ có báo cáo, lúc đấy mới có hướng giải quyết", GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết về thông tin 3 trẻ phải đi cấp cứu sau tiêm vaccine "5 trong 1" Quinvaxem ở tỉnh Bình Định.
Vụ việc 3 trẻ khoảng 2 tháng tuổi ở TP. Quy Nhơn (Bình Định) phải cấp cứu sau tiêm vaccine xảy ra từ hôm 25/12, nhưng tới trưa 31/12, theo ông Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vẫn chưa nhận được báo cáo của địa phương.
Cả 3 bé nhập viện đều có biểu hiện tím tái, khóc thét sau khi tiêm vaccine "5 trong 1" Quinvaxem, phòng bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, Hib.
|
Vaccine "5 trong 1" Quinvaxem (do Hàn Quốc sản xuất) đã tiêm cho 3 trẻ phải cấp cứu ở Bình Định và 3 trẻ đã tử vong ở Nghệ An. |
Riêng trường hợp bé Thu Trúc (hơn 2 tháng tuổi) con chị Nguyễn Thị Thu Thủy (ở Bùi Thị Xuân, phường Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn) có thêm triệu chứng ngưng thở. Rất may, sau khi phát hiện, gia đình các bé kịp thời đưa đi viện nên không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.
Chị Thủy kể lại: "Trước đó, khoảng 10h sáng 25/12, sau khi chích ngừa vaccine tại Trạm y tế phường, bé có biểu hiện khác lạ, khóc, người tím tái và có biểu hiện ngưng thở, người nhà phải hô hấp nhân tạo, đồng thời đưa bé đến bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu”.
Được biết, vaccine "5 trong 1" 3 trẻ ở Bình Định đã tiêm cũng cùng loại với vaccine đã tiêm cho 3 trẻ tử vong ở Nghệ An. Đây là vaccine do Hàn Quốc sản xuất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ cho Việt Nam và nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ông Hiển khẳng định, việc đảm bảo chất lượng vaccine và an toàn tiêm chủng đều được tuân thủ theo những quy định ngặt nghèo. Cán bộ y tế phải có chứng chỉ đã được tập huấn mới được tiêm vaccine cho người dân. Viện cũng thường xuyên tổ chức đi kiểm tra, giám sát việc tiêm có đúng kỹ thuật không ở các điểm tiêm chủng. Và khuyên các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng.
Tuy nhiên, trước các vụ việc trẻ phải cấp cứu và tử vong sau tiêm vaccine trên, nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng. Thậm chí, có gia đình còn hoãn kế hoạch tiêm vaccine cho con, hoặc chấp nhận bỏ tiền để lựa chọn tiêm các loại vaccine dịch vụ.
Ông Hiển cũng thừa nhận, không có vaccine nào là hoàn hảo và tuyệt đối và an toàn 100%. Vì vậy, để hạn chế rủi ro, ông Hiển đề nghị các bậc phụ huynh bên cạnh việc cán bộ y tế tuân thủ các quy định trong sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế, phụ huynh cần hợp tác với cán bộ y tế trong việc thông báo tiền sử sức khỏe, bệnh tật, và tiêm chủng của trẻ. Theo dõi trẻ sau tiêm, kịp thời mang trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường… tránh những phản ứng bất lợi có thể xảy ra do tiêm vaccine.
Hiện nay, trên nhãn của một số loại vaccine cũng có chỉ thị nhiệt độ, nếu vaccine bảo quản không đúng nhiệt độ, chỉ thị này sẽ đổi sang màu sẫm, lúc đấy cán bộ y tế có thể nhận biết được vaccine đó không còn đảm bảo chất lượng để loại bỏ.
“Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân biết về điểm này và cùng giám sát, phát hiện với cán bộ y tế”, ông Hiển nói.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU