Trong đó có 17 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và 3 ca tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Chương trình hội chẩn trực tuyến kết nối đến nhiều điểm cầu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM…
|
Ảnh minh họa. |
Bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết bệnh viện đang điều trị tới gần 390 ca bệnh. Trong số này có nhiều ca bệnh nặng với 19 ca phải thở máy, gấp 4 lần so với các đợt dịch trước; 2 ca chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể). Với sự nỗ lực của các thầy thuốc, đã có 3 bệnh nhân cai thở máy.
20 bệnh nhân COVID-19 nặng được hội chẩn liên tục trong 4 giờ đồng hồ. Hầu hết bệnh nhân đều có nhiều bệnh lý nền đi kèm. Các chuyên gia nhận định tình hình bệnh nhân giai đoạn này diễn biến nhanh, nhiều bệnh nhân nặng do chủng virus lần đầu tìm thấy tại Ấn Độ (B.1.617.2).
Trong 17 bệnh nhân nặng được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 báo cáo, có những bệnh nhân đã được hội chẩn quốc gia nhiều lần như BN3019, BN3153, BN3015 hay BN3028. Ngoài ra, có một bác sĩ nam 37 tuổi và một thai phụ 22 tuần diễn biến nặng.
Thai phụ là BN3263 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội; là người liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Bệnh nhân 35 tuổi, phát hiện dương tính hôm 9/5.
Hiện bệnh nhân thở máy qua ống nội khí quản, vẫn còn sốt cao, được điều trị an thần, giãn cơ. Các bác sĩ tiếp tục kế hoạch duy trì kháng sinh, an thần, giãn cơ, duy trì chức năng phổi; kết hợp với bác sĩ sản khoa đánh giá sức khoẻ thai nhi.
Các chuyên gia khuyến nghị với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân trở nặng cấp tính, cần hội chẩn với sản khoa liên tục, xem xét sớm chỉ định đặt ECMO.
Một trong những ca bệnh rất nặng, tiên lượng tử vong rất cao là BN3197, 64 tuổi, phát hiện dương tính hôm 8/5. Bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính 10 năm, ung thư gan đang được chăm sóc giảm nhẹ, chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, hội chứng thực bào máu.