Theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc, UAV tàng hình Lợi Kiếm sử dụng động cơ phản lực RD-93 do Cục thiết kế Klimov của Nga phát triển. Động cơ này cũng được Trung Quốc sử dụng cho máy bay chiến đấu tàng hình J-31. Thật trùng hợp, UAV X-47B và tiêm kích hạm F/A-18 của Mỹ cũng sử dụng chung một loại động cơ.
Trước đây, UAV X-47B đã có cuộc thử nghiệm cất hạ cánh thành công trên tàu sân bay USS George H.W. Bush (CVN 77) ở ngoài khơi bờ biển bang Virginia. Chính vì thế, cũng có ý kiến đưa ra rằng liệu UAV Lợi Kiếm có trở thành tiêm kích hạm cho tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay khác của Trung Quốc.
|
Trung Quốc có thể bắt chước Mỹ, kết hợp J-31 và UAV Lợi Kiếm hoạt động trên tàu sân bay.
|
Trả lời câu hỏi của Hoàn cầu, chuyên gia quân sự Đỗ Văn Long từng cho biết sẽ không loại trừ khả năng trang bị UAV Lợi Kiếm cho tàu sân bay. Bên cạnh đó, ông này cho rằng, trong tương lai, UAV Lợi Kiếm và J-31 sẽ phối hợp để trở thành hai cánh tay đắc lực của tàu sân bay. Như vậy, trình độ công nghệ hàng không của Trung Quốc đã được nâng lên một tầm cao mới.
Tờ Nhân dân Nhật báo cũng đăng tải bài bình luận của chuyên gia quân sự Lý Lợi về UAV Lợi Kiếm. Theo ông Lý Lợi, Lợi Kiếm có thể kết hợp với tiêm kích hạm J-20 để chuẩn bị cho tác chiến trong tương lai.
“Trong tương lai, chỉ có máy bay không người lái tàng hình cỡ lớn mới có thể thực hiện được việc tấn công thọc sâu vào trận địa của đối phương trong tác chiến tầm xa. Những UAV đó cần có trọng lượng từ 6-10 tấn thì mới có thể mang theo nhiều vũ khí trang bị, ngoài ra cần phải có tính năng tàng hình thì mới có khả năng tiến hành tấn công bất ngờ”, ông Lý Lợi nói.
|
Một số nguồn tin không chính thức khẳng định có thể J-31 phát triển cho hoạt động trên tàu sân bay.
|
Chuyên gia Lý Lợi nhận định, những máy bay không người lái thế hệ mới cần giống như X-47B của Mỹ, tiến hành cất cánh trên tàu sân bay, như thế thì mới có thể vươn ra xa hơn. Nếu như J-20 có thể chỉ huy biên đội máy bay không người lái tiến hành tấn công thì năng lực tác chiến của nó sẽ mạnh lên gấp bội.
UAV Lợi Kiếm đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 nắm chắc công nghệ UAV tàng hình sau X-47B của Mỹ và Neuron của Pháp.