Hiểu đúng về sai khớp hông

Google News

(Kiến Thức) - Sai khớp hông được gọi đúng ý nghĩa của nó khi chỏm xương đùi trật khỏi ổ khớp ra ngoài, còn những trường hợp gãy xương chậu, vỡ đáy ổ khớp... thì không gọi là sai khớp hông.

Sai khớp hông là thương tổn nặng, thường gây sốc, đe dọa tính mạng bệnh nhân. 

PGS.TS Trần Đình Chiến thăm hỏi bệnh nhân Tuyên. 

Bệnh nhân Nguyễn Thị Tuyên (Hòa Bình) nhập Bệnh viện 103 trong tình trạng sốc, đau, sưng nề và bất lực trong vận động hoàn toàn khớp hông. Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị sai khớp hông thể chậu do chấn thương. Ngay lập tức bệnh nhân được xử lý kịp thời để tránh những biến chứng.

PGS.TS Trần Đình Chiến, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện 103 cho biết, trong các thể sai khớp hông thì sai khớp hông thể chậu là hay gặp nhất sau đó là thể ngồi. Những bệnh nhân tổn thương dưới 10 ngày sẽ có khả năng nắn chỉnh. Đối với bệnh nhân bị ngã trong tư thế gấp và khép đùi mạnh làm chỏm xương đùi thúc vào bờ sau của ổ khớp làm rách bao khớp và dây chằng, rồi chỏm xương trật ra sau gây ra sai khớp thể chậu hoặc thể ngồi.

Trong sai khớp hông dây chằng tròn bị đứt, động mạch dây chằng tròn đứt, bao khớp bị rách rộng và xoắn vặn, làm cho các cuống mạch trên, dưới nuôi chỏm và cổ xương đùi bị xoắn vặn, chít tắc. Các thương tổn đó làm ảnh hưởng đến nuôi dưỡng của chỏm và cổ xương đùi. 

Về nguyên tắc điều trị, PGS.TS Trần Đình Chiến cho hay, nếu bệnh nhân có sốc cần điều trị tích cực và kịp thời, để có thể nắn chỉnh sai khớp sớm được. Nếu không sốc cũng cần nắn chỉnh sớm để dự phòng và tránh biến chứng. Phương pháp nắn chỉnh, bệnh nhân nằm ngửa trên bàn, háng gấp 90 độ, dùng một đai da hoặc một người phụ giúp cố định khung chậu làm đối lực. Dùng một đai da khác vòng dưới khoeo chân bệnh nhân sử dụng một lực kéo thẳng lên theo trục đùi. Đồng thời xoay đùi nhẹ nhàng vào trong hoặc ra ngoài để đưa chỏm xương vào vị trí.

Khi chỏm xương được nắn về vị trí sẽ nghe thấy tiếng khục và khớp háng vận động dễ dàng, hết tư thế bắt buộc cố định. Sau khi nắn chỉnh cần bất động bệnh nhân trên giường 2 tuần, sau đó tập vận động khớp háng nhẹ nhàng rồi tập đứng, tập đi.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Phạm Hằng

Bình luận(0)