Ngày 20/10, PGS.TS.BS - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện 175 cho biết thông tin trên. Bệnh nhân bị uốn ván (phong đòn gánh) được chuyển cấp cứu bằng trực thăng từ trạm xá đảo Trường Sa trong tình trạng nguy kịch do bị nhiều cơn co giật cục bộ và thỉnh thoảng thì bị co giật toàn thân, cứng hàm không nói được, không ăn uống đươc, lưng cong như đòn gánh… đã điều trị tại trạm xá xã đảo Trường Sa 4 ngày.
|
BS.CK II Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện 175 đang khám cho bệnh nhân.
|
Bệnh nhân là ngư dân Bùi Tấn V. (41 tuổi, xã Hoài Tân, Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bị phát bệnh là do trước đó khoảng 20 ngày, khi thay đồ không may bị té vào ván thuyền và bị 1 vết thương nhỏ xíu như hạt tiêu ở gần đầu gối chân trái nên bệnh nhân đã chủ quan không chích ngừa uốn ván. Khi đang đi đánh cá trên khu vực đảo Trường Sa thì anh V. bị phát bệnh và được điều trị tại trạm xá xã đảo Trường Sa nhưng do bệnh đã tiến triển nặng nên phải đưa vào đất liền để hỗ trợ điều trị nếu không thì bệnh nhân sẽ tử vong do suy hô hấp. BS ngoài Trường Sa đã báo cáo tình hình sức khỏe của bệnh nhân với Ban giám đốc Bệnh viện 175, nên lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo xã đảo Trường Sa đã trao đổi và báo cáo lên Bộ Quốc Phòng.
Vì ngư dân cũng cùng với bộ đội cùng bảo vệ biển đảo quê hương nên Bộ Chính trị cũng đã huy động mọi lực lượng để bảo vệ sức khỏe cho ngư dân, Bộ Quốc Phòng đã điều máy bay trực thăng bay từ đất liền ra đảo để đưa ngư dân về Bệnh viện 175 để được điều trị tốt hơn tránh nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Chiều tối ngày 15/10, bệnh nhân đã được chuyển về đất liền và nhập khoa A4 (khoa bệnh Truyền nhiễm), Bệnh viện 175 TP HCM. Sau đó, Ban giám đốc bệnh viện cùng hội chẩn với các khoa và chuyển bệnh nhân về khoa Hồi sức tích cực để tạo điều kiện tốt nhất cũng như các phương tiện hỗ trợ điều trị được đầy đủ nhất.
BS.CK II Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện 175 cho biết, do bệnh nhân thường xuyên lên các cơn co giật nên Bệnh viện đã ưu ái cho ngư dân được nằm riêng trong 1 phòng của khoa, phòng được che kín, tránh ánh sáng nhiều, yên tĩnh… để cho bệnh nhân không bị “kích thích” lên cơn. Bệnh nhân đã được truyền huyết thanh, thuốc chống co cơ, truyền dung dịch điện giải và cung cấp năng lượng, nuôi ăn qua ống... Hiện tại, bệnh nhân đang đáp ứng thuốc điều trị tốt nên đang ổn định dần, bớt cứng hàm, giao tiếp được, ăn được qua đường miệng… sẽ chuyển ra khoa thường sau vài ngày nữa.
Theo BS Thành, uốn ván là một bệnh nhiễm độc cấp tính nặng do độc tố tetanospasmin của vi trùng uốn ván, có trong đất và có thể gây chết người. Đây là bệnh duy nhất gây ra do vi khuẩn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin và không lây truyền trong cộng đồng. Uốn ván là một loại bệnh nặng, nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt biến chứng trên hệ hô hấp và tim mạch nên tỷ lệ tử vong cao, thời gian điều trị dài ngày, chi phí điều trị cao. Ở những bệnh nhân bị uốn ván nặng gây tắc đường thở, BS phải mở khí quản, nếu tình trạng không cải thiện thì phải cho bệnh nhân thở máy. Trung bình, một bệnh nhân mất ít nhất 4-5 tuần mới bình phục, nặng thì thời gian điều trị có thể kéo dài đến 3 tháng. Việc tiêm ngừa là giải pháp bảo vệ tốt nhất.
PGS.TS.BS - Thiếu tướng Hồng Sơn cho biết thêm, hoàn cảnh gia đình của ngư dân rất khó khăn nên bệnh viện cũng đã hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân.