Theo GS Tài Thu, y học cần nghiên cứu lại tập tài liệu lạ của cụ ông ở Đà Lạt sử dụng.
-
Các chuyên gia về châm cứu và đông y đều cho rằng, trường hợp một cụ già (86 tuổi, đường Hai Bà Trưng, TP Đà Lạt) đã tự nghiên cứu những cuốn sách cổ truyền nổi tiếng về Đông - Tây y kết hợp, cùng những cây kim dùng để châm cứu cứu người chết vì nhồi máu cơ tim là hoàn toàn phản khoa học.
[links()]
Bệnh nhân được cứu sống chắc chỉ ngất đi thôi!
Khi đọc về trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Bá Hoa - nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết, trường hợp này rất phản khoa học.
“Tôi chưa bao giờ nghe có 25 dây thần kinh trên đầu”. Trên đầu người chỉ có 12 cặp dây thần kinh tương đương với 24 dây thần kinh. Việc cụ ông này nói 25 cây kim châm vào 25 dây thần kinh thì không biết sách vở nào về y học ghi như thế?”. Bác sĩ Hoa cho biết, trên đầu người có 25 huyệt chứ không có 25 dây thần kinh như ông thầy nói.
“Bệnh nhồi máu cơ tim vẫn có thể dùng châm cứu để chữa bệnh nhưng tùy từng cấp độ. Còn mức độ người bệnh đã chết rồi mà còn cứu được thì rất nhảm nhí” - bác sĩ Hoa nhấn mạnh.
“Đối với bệnh nhồi máu cơ tim, trước tiên là phải để Tây y thẩm định, sau đó, trong quá trình chữa bệnh, người bệnh có thể phối hợp cả Đông y và Tây y. Còn khi đã hôn mê, Tây y còn khó chữa mà chỉ cần châm cứu thì vớ vẩn quá. Đằng nay bệnh nhân còn chết rồi. Tôi nghĩ nên có một hội đồng thẩm định cụ thể chứ chữa bệnh kiểu này cũng nguy hiểm”.
|
Cách châm cứu của cụ ông Đà Lạt |
Khi nghe trường hợp những bệnh nhân của vị thày thuốc này đã châm cứu và sống lại thì bác sĩ Hoa đoán những bệnh nhân này chỉ ngất tạm thời và khi được hô hấp nhân tạo thì nhịp tim đập trở lại hoặc tình trạng chết lâm sàng.
Tương tự như vậy, việc châm cứu làm teo u nang thì đã được thực hiện ở một số bệnh như u nang buồng trứng, u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới. Tuy nhiên đây chỉ là một cách chữa bệnh hỗ trợ chứ không thể coi là biên pháp chữa bệnh chính.
Tôi nghĩ ông thầy này khoe khoang
Còn bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng: “Tôi chưa xem ông ấy làm như thế nào, chắc tôi phải xem thực tế. Trước đây tôi cũng biết trường hợp một ông thầy ở Nghệ An tự nhận mình chữa xơ gan cổ chướng rất tốt nhưng khi chúng tôi vào đến tận nơi xem xét thì thấy thực tế chẳng như thế”.
Bác sĩ Hướng đề xuất nên có đoàn y tế thị sát cụ thể. Có những người đọc sách giỏi có thể chữa bệnh nhưng rất hiếm hoi.
|
Ông Nguyễn Xuân Hướng |
Bác sĩ Hướng nhớ đến một cụ ở Nam Định lấy mồ hóng, bột nghệ trộn với nước tiểu và tuyên bố đây là bài thuốc chữa ung thư dạ dày. Cụ gửi thư cho Thủ tướng. Bài thuốc này được Thủ tưởng gửi xuống Bộ Y tế nhờ kiểm định. Bộ Y tế có gửi qua bác sĩ Hướng tại Bệnh viện Hữu nghĩ Việt Xô để nhờ xác minh bài thuốc.
Khi nhận được bài thuốc, bác sĩ Hướng khá bất ngờ và ông đã mời người thầy đó lên gặp. Khi gặp bác sĩ, người thầy quả quyết bài thuốc tốt có nhiều người uống đã thành công và hết sức an toàn.
Bác sĩ Hướng nhớ, lúc đó có bác sĩ Hướng, người thầy - tác giả của bài thuốc và một thầy thuốc đông y khác. Bác sĩ Hướng lấy ra ba chiếc cốc rót bài thuốc đó ra cho ba người uống thử và nói. “Cụ đã nói chữa được bệnh thì chúng ta thử uống xem dạ dày có vấn đề gì không”.
Khi nghe nói uống bài thuốc đó, tác giả bài thuốc đã đứng lên không dám uống và bỏ ra về. Từ đó, bài thuốc hoang đường chữa ung thư dạ dày của vị thầy lang cũng mất tích.
Theo bác sĩ Hướng, nên có một hội đồng khoa học kiểm tra thẩm định tài năng thực của ông thầy này vì chuyện chữa bệnh của ông đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim chỉ thấy hiếu kỳ, chưa thấy khoa học ở đâu cả.
Nên thành lập hội đồng thẩm định
Đồng quan điểm trên, GS Nguyễn Tài Thu – Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Châm cứu thế giới cho rằng, theo sách vở ông từng học và nghiên cứu nhiều năm về Đông y Trung Quốc thì,
|
Ông Nguyễn Tài Thu |
hiện chưa có trường hợp nào châm cứu liền một lúc 25 kim châm trên đầu. Thông thường, chỉ châm cứu 4 - 6 - 8 kim châm trên người; với những trường hợp bị liệt lâu ngày, có thể châm 10 - 12 kim châm trên người.
Đặc biệt, người đã chết thì dù châm cứu thế nào cũng không thể sống lại được.
Trước những tài liệu hướng dẫn châm cứu của cụ ông ở Đà Lạt, GS Tài Thu cho biết, nhiều năm học và nghiên cứu, ông chưa từng gặp một tài liệu nào như vậy.
GS cũng cho rằng, trường hợp cụ ông cứu người chết đi sống lại thì có thể là do người bệnh chưa chết hẳn, mới chỉ khó thở, thở chậm.
Tóm lại, theo GS Tài Thu, y học cần nghiên cứu lại tập tài liệu lạ của cụ ông ở Đà Lạt sử dụng.
Mang những phản biện này đến với cụ ông ở Đà Lạt, ông cũng thừa nhận rằng, tài liệu ông nghiên cứu là thứ tài liệu chưa vị bác sĩ nào có cả.
Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định, mình châm cứu vào 25 dây thần kinh trên đầu chứ không phải 25 huyệt như các chuyên gia nghĩ rằng ông có sự nhầm lẫn (?).
|
Lâm Yên