Bộ Y tế biến VN thành “thiên đường” thuốc kém chất lượng?

Google News

Thực hiện đấu thầu thuốc vào bệnh viện theo quy định của liên bộ Y tế - Tài chính (Thông tư 01) sẽ cắt giảm được chi phí về giá nhưng chất lượng thuốc lại trở thành mối lo ngại hiện hữu.

Nhìn qua kết quả trúng thầu thuốc, dịch truyền vào các bệnh viện công lập của TP.HCM năm 2012 mới giật mình vì sự chênh lệch về giá trúng thầu giữa các bệnh viện, dù rằng cùng loại thuốc, cùng hoạt chất, cùng nhà sản xuất và cùng nhà cung cấp. Chẳng hạn, cùng dung dịch tiêm truyền Glucose 10% của công ty hóa dược phẩm Mekophar (TP.HCM) trúng thầu vào bệnh viện Nhi đồng 2 là 9.270 đồng/chai, nhưng trúng thầu vào bệnh viện Nhi đồng 1 là 9.000đồng/chai. 
Tương tự, thuốc Esomeprazole Sodium 40mg của Ấn Độ do công ty dược Vĩnh Phúc trúng thầu, cung cấp vào bệnh viện ở khu vực phía Nam giá 8.500 đồng. Trong khi, cùng loại thuốc đó, giá trúng thầu  vào một sở Y tế ở miền Bắc lại chỉ 4.300 đồng. Hay thuốc Ciprpfloxaci của Việt Nam sản xuất có hàm lượng 400mg/200ml trúng thầu ở bệnh viện phía Nam giá 95.000 đồng còn ở miền Bắc là hàm lượng 200mg/100ml - tức 1/2 so với miền Nam - chỉ gần 20.000 đồng. Nếu tính hàm lượng như nhau thì giá trúng thầu ở miền Nam vẫn cao gấp 1,5 lần miền Bắc. Ngoài ra, việc trúng thầu thuốc tại các bệnh viện lớn cũng thường cao gấp 2 lần so với sở Y tế địa phương tiến hành đấu và trúng thầu?
Bác sỹ Ngô Tiến Văn, nguyên cán bộ khoa Dược, bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, việc đấu thầu thuốc theo quy định mới sẽ đem lại lợi ích là giá thuốc trúng thầu vào các bệnh viện không còn chênh lệch nữa, nó sẽ hạn chế được ít nhiều tiêu cực khi mỗi bệnh viện đấu thầu mỗi kiểu. Điều này cũng được chứng minh qua việc 30 sở y tế địa phương khi thực hiện đấu thầu. Trong đó, có một số Sở tiết kiệm được số tiền lên tới 30 - 31%, xấp xỉ con số 57 tỷ đồng, như sở Y tế Hậu Giang; sở Y tế Quảng Ngãi...
 Ảnh minh họa.
Mặc dù vậy,  nhiều sở y tế địa phương như Quảng Ngãi, Quảng Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, An Giang, Hậu Giang... vẫn phải lên tiếng lo lắng về chất lượng thuốc đấu thầu. Bởi, quy trình đấu giá thuốc theo Thông tư 01 có nhiều hướng dẫn mới, cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể, lên kế hoạch, gửi ra bộ Y tế thẩm định. Có nghĩa là thủ tục nhiều hơn, dẫn tới thuốc về để chữa bệnh chậm, thiếu thuốc ở một số bệnh viện địa phương.
Đầu thầu thuốc như hiện nay, chỉ để cho thuốc rẻ vào được bệnh viện, còn thuốc chất lượng tốt, giá cao không vào được bệnh viện, ảnh hưởng đến chất lượng chữa bệnh, chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đại diện sở Y tế Quảng Ngãi cho rằng: "Sau một thời gian điều trị cho bệnh nhân, sở Y tế và các bệnh viện ở Quảng Ngãi  lo ngại về những loại thuốc giá rẻ trúng thầu nhưng chất lượng không đảm bảo". Cùng chung tâm trạng, ông Hồ Đức Hải - Giám đốc sở Y tế Phú Thọ nhấn mạnh, điều trớ trêu của đấu thầu thuốc giá rẻ là nhiều loại thuốc trúng thầu được sản xuất từ những nước có điều kiện tương đương Việt Nam.
Tự chuốc lấy mối lo

Những bất cập trong Thông tư 01 có lẽ không chỉ dừng lại ở giá của các loại thuốc mà còn ở cách áp dụng vào thực tế. Xét về mặt kinh tế, đấu thầu thuốc theo Thông tư 01 đem lại hiệu quả rõ rệt. Trong báo cáo mới nhất của bộ Y tế thì trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng thuốc có tỷ trọng sử dụng cao tại các bệnh viện đã giảm được hơn 115 tỷ đồng so với năm 2012. Và, ở một khía cạnh nào đó, việc đấu thầu giúp cho các doanh nghiệp dược trong nước trước đó thường lép vế, so với các hãng dược nước ngoài giờ có nhiều cơ hội cạnh tranh hơn.
Dược sỹ Nguyễn Thị Hồng, hiệp hội sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam phân tích: "Thông tư 01 của liên bộ không giống như những gì mà các sở địa phương và bệnh viện đang áp dụng trong đấu thầu giá thuốc. Thông tư này rất "mở" để cho tất cả các hãng thuốc, công ty dược trong và ngoài nước được tham gia đấu thầu, nếu họ đủ điều kiện theo quy định. Cụ thể, với loại thuốc A thì hãng nào cũng có quyền được nộp hồ sơ đấu thầu (nếu đủ điều kiện) và sẽ trúng thầu khi có giá cạnh tranh nhất, chúng ta không thể đưa ra giá sàn được. Bởi những thuốc đặc trị, căn cứ vào đâu để đưa giá sàn? Hơn nữa, cùng loại thuốc nhưng Pháp sản xuất chất lượng khác, mà Trung Quốc sản xuất chất lượng khác, sao ta lại không để Pháp cùng tham gia cạnh tranh công bằng trong loại thuốc đó. Nếu giá của thuốc Pháp chấp nhận được, chất lượng tốt, sao không cho trúng thầu mà cứ phải giá rẻ để rồi "ôm" lo lắng thuốc không đảm bảo chất lượng vào người".
Tiến sỹ, bác sỹ Ngô Xuân Sinh, nguyên Giám đốc bệnh viện Tràng An nhận xét: "Thông tư 01 về đấu thầu thuốc đã bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí làm khó các sở y tế địa phương, bệnh viện trung ương. Các sở thì ý kiến được, còn các bệnh viện lớn hầu như không dám ý kiến trực tiếp, vẫn phải chấp nhận thông tin rằng, giá thuốc rẻ hơn, tức là tiết kiệm. Song, họ thừa biết, giá rẻ đi đôi với chất lượng không đảm bảo. Hiện Thông tư 01 quy định 3 hình thức đấu thầu là tập trung; các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu; sở y tế tỉnh, thành phố chọn một bệnh viện để tổ chức đấu thầu, sau đó áp dụng giá mua thuốc chung cho các cơ sở y tế. Cái sự áp dụng giá mua thuốc chung này rất bất tiện, làm cho thuốc cùng loại, chất lượng không thể cạnh tranh được. Và cứ thực hiện theo Thông tư 01, có thể, một ngày gần đây, bệnh viện Việt Nam là nơi tiêu thụ thuốc kém chất lượng của các hãng, công ty dược của châu Á”.  
Vừa thực hiện đã bộc lộ điểm yếu
Vừa đi vào thực hiện một thời gian ngắn, Thông tư 01 đã bộc lộ những bất cập và hạn chế. Bởi thế, trong tháng 9, bộ Y tế đã phải tiến hành dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Bởi, những đơn vị đã tiến hành đấu thầu rồi thì đang lo như "ôm bom" vào người, còn những nơi chưa tổ chức đấu thầu, thì chưa biết làm thế nào để giải quyết mối quan hệ vừa làm tốt công tác đấu thầu như quy định, vừa tiết kiệm lại có thuốc tốt nhất có thể để chữa bệnh cho nhân dân.
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)