Rơm, rác, nilon cũng dễ làm cháy xe

Google News

Xăng pha trộn kém chất lượng, thậm chí là do chủ quan khi đi vào những nơi có rơm rạ, nilon... là những nguyên nhân có thể dẫn đến cháy xe.

- Xăng pha trộn kém chất lượng, sử dụng xe không đúng cách, lắp thêm phụ kiện làm tăng tải của xe, thậm chí là do chủ quan khi đi vào những nơi có rơm rạ, nilon mà không để ý... là những nguyên nhân có thể dẫn đến cháy xe.

Xe ga dễ cháy hơn xe số

Ngày 12/9, Bộ KH&CN tổ chức hội thảo Báo cáo một số kết quả nghiên cứu về xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống cháy nổ ô tô xe máy.
 
Theo ThS Nguyễn Văn Phương, nhóm nghiên cứu Cục Đăng kiểm Việt Nam, những trường hợp xe bị cháy trong thời gian qua xuất phát từ một số nguyên nhân như bị chập điện do lắp thêm thiết bị không theo thiết kế của nhà sản xuất như lắp đèn pha công suất lớn, đèn sương mù, dàn âm thanh, camera lùi, điều khiển từ xa. Do chất dễ cháy như rơm rạ, giẻ, nilon vướng vào đường ống xả, do chập điện trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa không đúng kỹ thuật, chập điện do chuột cắn dây, do ống xăng bị đứt...

Theo ThS Nguyễn Văn Phương, đối với xe máy thì xe tay ga dễ bị cháy hơn xe số. Đối với xe tay ga thiết kế cho xứ lạnh như xe SH, Dylan, @... thì cục xả được để ở vị trí khá kín, ở bên phải dưới yên xe trong cốp. Khi lưu thông trong điều kiện không khí ẩm, vị trí này thường xuyên rất nóng. Với một số xe ga đời mới đang được nhiều người sử dụng như Vespa, Spacy, Lead... thì vị trí cửa xả của xe đặt dưới đèn pha. Đây là 2 lỗ thông khí đặt ở mũi xe làm mát cho xe. Tuy nhiên, khi dán trang trí xe, nhiều thợ đã bịt mất lỗ thông hơi này. Và sự cố cháy xe đã bắt nguồn từ những sơ suất tưởng như rất nhỏ này.

TS Phạm Hữu Tuyến, Viện Cơ khí động lực, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên của nhóm nghiên cứu cũng khẳng định: Với những xe thiết kế mới, nhiệt độ trong khoang khá nóng. Các chi tiết đặt trong khoang động cơ bao kín xung quanh, kín gió, nhiệt độ xung quanh lớn.  Đường ống xả đặt gần bình xăng và đường ống dẫn nhiên liệu. Đối với xe thiết kế cũ, hệ thống nhiên liệu thuộc loại tự chảy, nhiên liệu từ bình xăng qua lọc tới bộ chế hòa khí. Bộ chế hòa khí và các đường ống dẫn nhiên liệu đặt vị trí thoáng, có đường xả xăng khi nhiên liệu trong buồng phao quá đầy hoặc khi xả cặn trong buồng phao.

Hình ảnh một vụ cháy xe
Hình ảnh một vụ cháy xe

Xăng dầu "bẩn" gây họa

Về nghi vấn thủ phạm gây cháy xe có phải là xăng dầu, PGS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu cho biết, nhiên liệu chính ngạch đạt tiêu chuẩn đồng thời không chứa các cấu tử khác, các phụ gia thông dụng không phải là thủ phạm dẫn đến cháy xe. Nhiên liệu pha chế với mục đích gian lận thương mại, bằng cách lạm dụng phụ gia làm răng RON (trị số octan) là một trong những nguyên nhân. Việc lạm dụng phụ gia trong nhiên liệu dễ làm nhiên liệu biến chất, làm cho các vật liệu polyme là các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu bị trương nở hoặc bị phá hủy, các hợp chất tự bắt cháy đồng thời có khả năng ăn mòn cao dẫn đến nguy cơ gây cháy.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 704 mẫu xăng dầu lưu thông thì có 147 mẫu không đạt yêu cầu, có 128/1.087 mẫu xăng dầu nhập khẩu không đạt yêu cầu. Gian lận chủ yếu là quy trình pha chế không đạt chuẩn. Ví dụ như với phụ gia chứa oxy, tùy chất lượng nhiên liệu có tác dụng tăng trị số phát nổ. Nếu pha chế với hàm lượng lớn nó có thể kích nổ xe trong điều kiện tải trọng và vận tốc lớn.

Theo TS Phạm Hữu Tuyến, cách sử dụng xe cũng có thể là nguyên nhân gây cháy xe. Vận hành xe không đúng kỹ thuật làm tăng nhiệt độ chi tiết, phát sinh tia lửa điện. Trường hợp ga to khi chưa vào số hoặc số thấp gây nóng các lá côn. Vào số đột ngột không giảm ga gây va đập bánh răng và phát sinh tia lửa. Tăng giảm ga liên tục làm nóng động cơ. Quá trình khởi động nhiều lần liên tục (thường xảy ra khi xe gặp hiện tượng khó nổ) làm nóng và cháy bộ đề, đồng thời nhiên liệu và nhiều trong xylanh, bị đẩy đường xả có thể gây cháy trên đường xả.
Với những chiếc xe ô tô gầm thấp khi lưu thông trên đường có phơi rơm rạ phải kiểm tra rất cẩn trọng, vì đã có đến 12 xe ô tô bị cháy do nguyên nhân này. Ở cả xe máy và ô tô, tại vị trí cổ xả và trên đường ống xả, nhiệt độ lên tới 5480C có thể dễ dàng gây cháy nếu có vật dễ cháy bám vào.
Tô Hội
[links()]

Bình luận(0)