Tránh rước độc từ đồ trang trí Noel

Google News

(Kiến Thức) - Những miếng dán đồ chơi Trung Quốc vừa được nhà chức trách cảnh báo có chứa chất độc phthalate.

Những miếng dán đồ chơi Trung Quốc có hình trang trí ông già Noel hay cây thông, bông tuyết… vừa được các nhà chức trách cảnh báo có chứa chất độc phthalate. Theo chuyên gia, các gia đình cần hạn chế sử dụng cũng như không để trẻ chơi, mở cửa nhà khi dán để tránh ảnh hưởng sức khoẻ, nhất là sức khỏe sinh sản của trẻ nhỏ sau này.
Tranh ruoc doc tu do trang tri Noel
Ảnh minh họa. 
Chất độc vượt ngưỡng hơn 100 lần
Theo thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa, thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm nghiệm, đoàn thanh tra đã phát hiện những miếng dán đồ chơi Trung Quốc chứa chất độc phthalate trong lần kiểm tra mới đây. Theo con số cho thấy, chất độc này vượt ngưỡng cho phép hơn 100 lần so với ngưỡng an toàn.
Cụ thể, trong kết quả thử nghiệm với sản phẩm đồ chơi bằng màng nhựa in hình nhiều màu cho thấy, hàm lượng phthalate DINP là 37.390mg/kg trong khi giới hạn phát hiện là 300mg/kg; còn DEHP có hàm lượng 14.100mg/kg trong khi giới hạn cho phép là 100mg/kg. Điều đáng nói, cũng trong mẫu kiểm tra này, các nguyên tố được xem là có thể độc hại đối với sức khoẻ như asen, cadmi, thủy ngân, chì... đều không vượt ngưỡng.
Theo khảo sát của KH&ĐS tại phố Hàng Mã (Hà Nội) cũng như các cửa hàng bán quà lưu niệm, miếng dán Trung Quốc loại này được bán rộng rãi để khách hàng lựa chọn. Mỗi miếng dán có giá dao động từ 5.000 - 15.000đ tùy vào kích cỡ, cửa hàng bán khác nhau. Miếng dán bao gồm những hình được nhiều trẻ em và các gia đình yêu thích để trang trí trong dịp Noel như ông già Noel, cây thông hay bông tuyết. Hình có nhiều màu sắc từ xanh đỏ, vàng đến trắng. Phía sau miếng dán có băng dính để dính lên tường, nhựa...
Cháu Nguyễn Thị Dung (học sinh một trường tiểu học thuộc quận Hoàn Kiếm) cho biết, cháu rất thích miếng dán này. Khi mua, cháu có thể dán lên tường, cửa sổ nhà, bàn học để trang trí. Em cháu còn thích dán lên tay để... làm đẹp.
Trước vấn đề này, PGS.TS Đỗ Quang Huy, Khoa Môi trường, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, chất phthalate đã được cảnh báo khá nhiều trong các đồ dùng, đồ chơi dành cho trẻ nhỏ. Đến nay, nhiều sản phẩm có chứa chất này nhưng vẫn chưa được kiểm tra hết như phần keo dán gáy sổ sách, đồ dùng bằng nhựa...
Có điều do đặc tính của phthalate là thuộc nhóm chất hóa dẻo và đàn hồi nên thường được sử dụng trong keo dán, nhựa, túi bóng, nilon... thậm chí ở giầy, dép, các đồ dùng gia đình.
Ngoài phthalate, vị chuyên gia này còn lo lắng đến thành phần chất formandehyt cũng có thể có trong các sản phẩm tương tự. Cả hai chất đều độc hại đối với sức khoẻ người dân, trong đó bao gồm nguy cơ ung thư, ngộ độc...
Độc hại khi dán trong nhà đóng kín cửa
Theo các chuyên gia, phthalate là một chất bán bay hơi, nên khi ở nhiệt độ thích hợp chúng sẽ phát tán chất độc ra môi trường. Với các đồ chơi của trẻ nhỏ, ngoài việc trẻ cầm nắm, cắn mút hay dán lên các đồ vật xung quanh mình thì nguy cơ hít phải chất độc này cũng cần được cảnh báo.
Đặc biệt là ở trong môi trường nhà ở, nguy cơ này càng cao hơn khi mà nhiệt độ phòng tăng lên làm các chất bay hơi nhiều hơn. Trong khi mùa đông thường đóng kín cửa nên các chất này không thoát ra ngoài được, kết quả cuối cùng là chúng ta lại hít vào.
Ở góc độ khác, KS Vũ Tân Cảnh, nguyên cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam phân tích, nhóm phthalate sở hữu những tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ. Người ta thấy rằng, các hợp chất phthalate có ảnh hưởng làm suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục nam, khiến cho cơ quan sinh sản của nam giới bị “teo” lại. Sau những nghiên cứu thống kê, người ta thấy có khoảng 25% nam giới gặp phải trục trặc này có liên quan tới hợp chất phthalate. Ngoài ra, chất này còn có thể tồn tại trong thai nhi ở bà mẹ có bầu hay trong sữa mẹ gây nhiễm độc thai nghén, rối loạn nội tiết...
Thực nghiệm trên động vật thấy rằng, chỉ cần với liều 30g chất phụ gia diethylhexylphthalate (ký hiệu là DEHP)/kg thể trọng chuột là có thể làm chết động vật này. Điều đáng nói ở đây, DEHP rất dễ rời bỏ chất gốc là PVC từ nhựa, túi bóng, từ ống thổi, từ đồ chơi... để phân tán vào cơ thể. Thế nên, nhiều nước đã cấm lưu hành đồ chơi có DEHP, cấm đưa DEHP vào sản xuất thứ này cho trẻ em.
Hiện nay khó tránh khỏi các chất độc này nên các bậc bố mẹ cần đề phòng bằng cách hạn chế cho trẻ sử dụng các đồ chơi không rõ nguồn gốc hoặc đã được cảnh báo. Sau khi trẻ nhỡ cầm nắm thì cần rửa tay sạch sẽ để hạn chế chất độc thấm vào biểu bì da từ đó vào máu. 
KS Vũ Tân Cảnh
Hiền Dung

Bình luận(0)