Thịt là thực phẩm thiết yếu, không ai có thể không dùng tới cả đời. Vì thế nạn chế biến, buôn bán "thịt bẩn" còn "đất sống".
-
“Thịt là thực phẩm thiết yếu cho nhu cầu ăn uống hằng ngày và không ai có thể không dùng tới cả đời. Đó là lý do mà nạn chế biến, buôn bán “thịt bẩn” còn “đất sống”.
Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM tại buổi giao lưu trực tuyền Kiểm soát thịt bẩn tại TPHCM ngày 14/3.
|
Các bà nội trợ tại TPHCM rất băn khoăn không biết thịt nào bẩn, thịt nào sạch |
|
Thịt bẩn, thịt sạch - đau đầu bà nội trợ
Tại buổi giao lưu các bà nội trợ đều tỏ ra lo lắng trước nạn thịt bẩn đang hoành hàng ở TPHCM. “Chúng tôi không biết nên chọn ăn loại thịt gà, vịt, heo nào để đảm bảo sức khỏe, trong khi thông tin về “thịt bẩn” vẫn nhan nhản hàng ngày hàng giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng”, chị Nguyễn Thị Tâm, quận Tân Bình bức xúc nói.
Nhằm giúp người dân báo về những bất thường hoặc nghi ngờ về việc thực phẩm không đảm bảo an toàn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thiết lập đường dây nóng qua số điện thoại 08.3504 0418, hoặc qua địa chỉ: số 59 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM. |
Cùng chung tâm trạng lo lắng như chị Tâm, chị Diệp Nhã Bình (25 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú) cho biết, do phải làm công việc hành chính nên nhiều khi bận việc về trễ chị hầu như phải mua đồ ăn ở các hàng quán đem về chế biến lại. “Tôi thật sự băn khoăn vì không rõ thịt ở các quán ăn này nguồn gốc từ đâu?”, chị Bình lắc đầu.
Không chỉ có các ý kiến về việc không biết chọn mua thịt nào thịt sạch, thịt bẩn. Nhiều người dân tham dự còn phản ánh không ít nhà hàng, quán ăn tại TPHCM vẫn còn coi thường sức khỏe cộng đồng để đạt mục đích về lợi nhuận.
Bà Trương Thị Kim Châu - Chi cục phó Thú y TP.HCM cũng chia sẻ thêm, thời gian qua cơ quan chức năng TP đã phát hiện tỉ lệ các sản phẩm chả lụa, bò viên, chả cá... được bày bán không rõ nguồn gốc tại các chợ tạm, vỉa hè, lề đường không đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao.
Cần kiểm tra và chọn thương hiệu
Trước bức xúc của người tiêu dùng, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM chia sẻ, trong tình hình thịt bẩn hỗn loạn như hiện nay thì người tiêu dùng nên chọn loại thịt nóng hay ướp lạnh, đông lạnh tùy theo nhu cầu sử dụng của mình.
|
Các bà nội trợ cần mua thịt ở các cửa hàng lớn, có thương hiệu rõ ràng để tránh thịt bẩn |
|
Tuy nhiên để tránh mua nhầm thịt kém phẩm chất, không đảm bảo vệ sinh, người dân nên mua thịt tại các cửa hàng, quầy sạp chính danh, có kiểm soát của cơ quan thú y; thịt cần có độ tươi, màu sáng, mặt cắt đàn hồi tốt, không nên chọn các loạt thịt nạc sát da, lớp mỡ quá mỏng, có nghi ngờ sử dụng chất cấm để tăng trọng.
Đối với việc tiêu dùng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều rủi ro từ nguồn nguyên liệu không đảm bảo an toàn, từ việc chế biến, bảo quản không đảm bảo vệ sinh... Do đó, trong trường hợp không có nhiều thời gian để chế biến thì người tiêu dùng vẫn nên chọn mua ở cửa hàng quen, có uy tín.
Cũng về thực trạng này, bà Trương Thị Kim Châu - Chi cục phó Thú y TPHCM cảnh báo, chất lượng thực phẩm có “vấn đề” nhiều khi do chính người tiêu dùng thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chẳng hạn, với loại thịt không bảo quản ở nhiệt độ mát, bảo ôn, nhất là trong thời tiết nắng nóng thì không thể để kéo dài sang buổi chiều hoặc qua ngày, một số quầy sạp lén lút sử dụng các chất tẩm ướp như hàn the (borax) làm cho thịt nhìn bề mặt vẫn còn tốt nhưng bên trong đã hư thối, biến chất.
Xung quanh các nguyên nhân khiến “thịt bẩn” vẫn “vượt ải” vào các nhà hàng, quán ăn hiện nay, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai lý giải bởi nhiều nguyên nhân.
Nếu các cơ sở thực phẩm, nhất là các đơn vị có thương hiệu bản thân họ cần bảo vệ uy tín của mình nên chắc chắn sẽ có biện pháp tự giác kiểm tra nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến. “Hiện nay chúng tôi đang phân khúc thanh tra, kiểm tra đối với các nhóm đối tượng “thịt bẩn”.
Thanh tra xử lý thiếu khách quan sẽ bị xử lý nghiêm
|
Trước thực tế các vụ ngộ độc ngày càng xảy ra nhiều không ít người dân bày tỏ băn khoăn về việc liệu công tác thanh tra, kiểm tra đã đủ khách quan hay chưa, hoặc có hay không cán bộ thanh tra cố ý “bỏ qua” các cơ sở giết mổ vi phạm, hoặc cơ sở chăn nuôi sử dụng thuốc tăng trọng thuộc danh mục cấm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, các cán bộ tham gia đoàn thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ đều theo quy trình, thủ tục, hành vi, quyết định của mình theo Luật. Do đó, mọi hành vi nếu phát hiện vi phạm đều được xử lý theo khung luật định cụ thể.
Đối với các hành vi kinh doanh thịt nhiễm vi sinh hoặc tồn dư hóa chất sẽ áp dụng mức phạt từ 3-5 triệu đồng và tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Ngoài ra, các quy định liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đang được các bộ ngành bổ sung, hoàn chỉnh nếu ai làm sai sẽ bị xử lý nghiêm”, bà Mai nhấn mạnh
|
Hoài Lương