Sống lại thời hoàng kim
Thời hoàng kim của máy nghe nhạc Magnetophone dùng băng magnetic (hay gọi là băng cối) tưởng chỉ sống những năm trước 1975, nhưng gần 40 năm sau, nó vẫn còn thịnh hành, thậm chí đang làm phong trào rầm rộ thu hút được nhiều người trẻ quay về với thú nghe nhạc xưa bên chiếc máy chạy băng hay đĩa than.
|
Dân chơi máy hát thường sắm kèm loa và bộ âm ly cho trọn vẹn. |
Với người chơi máy Akai, âm thanh rè rè, ngầu đục phát ra từ chiếc máy to sụ có sức mê hoặc khó lý giải. Âm thanh phát ra từ các máy này tuy không trong trẻo như các thiết bị hi-end ngày nay nhưng lại chân thực, mộc mạc do không qua xử. Chơi những bản tình cũ, những bản nhạc trước năm 1975, cảm giác nghe trên máy Akai có chút liêu trai...
Anh Văn Hải, một dân chơi máy hát đĩa lâu năm cặm cụi lau từng ngách nhỏ chiếc máy hát Akai mà anh tậu cách đây 3 năm, mắt không rời khỏi tay, anh nói: "Dân chơi thường thích sưu tầm máy từ các thương hiệu chủ yếu là Teac, Akai, Revox, Ampex, Fuliza... và các băng nhạc xưa từ thập niên 50 - 70 của thế kỷ trước.
Lúc trước, khi phong trào chưa thành, các máy này bị coi là đồ ve chai bán đổ đống, nhiều chiếc máy còn chạy trơn mà vỏ ngoài trầy xước hết, có người chơi vô tình mua được từ vựa phế liệu hẳn cái máy của Sony”. Chỉ vào chiếc khác hiệu Revox xuất xứ từ Đức, anh Hải dí dỏm: “To đùng như thùng loa ấy, nhưng hơn 20 triệu của mình đấy. Nhiều chi tiết nhỏ nhặt chi ly, xước một vết cũng xót".
Phong trào chơi máy Akai rộ lên chỉ khoảng 5 năm trở lại đây, khi người ta khơi những "cục sắt vụn" xếp xó trong các chợ đồ cổ thành máy nghe nhạc chất hơn cả những sản phẩm máy nghe nhạc hoặc thiết bị bổ trợ nghe nhạc thời trang hiện giờ. Anh Hải chỉ là một trong số hàng trăm người giữa đất Sài Gòn mê thú chơi tốn kém này. Họ không dùng smartphone, vẻ ngoài không sành điệu, nhưng đề tài giữa những con người này bên bàn cafe chỉ xoay quanh chiếc máy hát có giá từ chục triệu đến nghìn đô.
Trong giới chơi âm thanh, các thiết bị DIY (viết tắt của "Do It Yourself", tức đồ tự chế) rất được ưa chuộng. Anh Mạnh Dũng, ngụ tại Hà Nội cho biết, các món đồ DIY như chế lại các bộ ampli, bóng bán dẫn trong DACEnd được dân chơi trong nước khéo léo "chế tác" lại để thỏa mãn đôi tai. Những món đồ tự chế lại có giá thành không rẻ chút nào do linh kiện phải nhập từ nước ngoài, giá thấp nhất của chúng vào tầm 10 triệu đồng, cầu kỳ hơn thì không dưới 100 triệu.
Chỉ với máy hát đĩa không thì không làm người sưu tầm thỏa mãn. Chiếc máy hát đĩa than thường quen thuộc hơn với cả những người không sành. Không ồn ào như Akai, máy hát đĩa kim hiệu Victor, Sansui vẫn âm thầm tồn tại và được yêu thích không kém.
Các máy này thường có giá từ 10 đến 30 triệu. Mỗi chiếc đĩa than 33 vòng, 45 vòng có giá từ 200.000 đồng đổ lên, những đĩa nhạc hiếm hay nhạc Việt Nam có giá đắt hơn vào 900-1,3 triệu đồng. Phần lớn người chơi hay sưu tầm đĩa than 33 vòng/phút. Kiểu dáng sang trọng, thanh nhã, âm thanh có phần thâm trầm từ những máy đĩa than khiến nhiều người mê mẩn.
Kỳ công sưu tầm
"Âm thanh từ máy Akai nghe có phần cũ kỹ nhưng rất liêu trai, chân thực. Tiếng các nhạc cụ thường chơi trong các bản phối nhạc xưa, người nghe có thể nghe rõ tiếng đánh thùng thiếc, tiếng guitar bass rè rè. Vậy mà nó lại làm người ta chết mê, càng nghe càng ngấm khó dứt ra được", bằng chất giọng Huế ôn tồn, anh Nghĩa "Akai" trầm ngâm. Ở Sài Gòn, dân chơi máy hát cổ và nghe nhạc xưa không ai không biết Nghĩa "Akai". Anh là người nổi tiếng trong giới chơi nhạc analog về thú chơi máy hát cổ.
Để thỏa mãn đam mê, bao năm qua, anh luôn cất công sưu tầm và mở hẳn chuỗi quán cafe chỉ để dành trưng bày và bán đồ cổ, trong đó hơn phân nửa là máy hát băng cối, đĩa than thời xa lắc. Người yêu nhạc vàng, mê âm thanh cổ đất Sài Gòn không ai là không biết quán café La Tamia nằm trong khu Tân Định anh Nghĩa mở gần đây nhất để làm nơi tụ họp bạn bè. “Akai thường có những dòng riêng biệt. Dòng máy phổ biến kiểu gia đình là dòng Akai M, với âm thanh mono, đến dòng M5- M11 là âm thanh stereo, cuối cùng là M4-M8”, anh Nghĩa phân loại.
"Người chơi các loại máy này chủ yếu sưu tầm của các hãng Akai, Sony, Philips, Revox, Teac, Ampex, Fuliza... có tuổi đời vài chục năm. Chủ yếu là đặt mua bên Mỹ, nhờ bạn xách tay về hoặc nguồn hàng trong nước không có thì mua trên e-Bay", anh Nghĩa nói. Giá các loại máy hát này rất… vô cùng, tuy nhiên dân chơi thường săn lùng nhiều chủng loại từ 3-5 triệu đồng, người chi mạnh tay có thể sắm máy đến hơn 300-400 triệu đồng. Dĩ nhiên, cái tên bán chạy nhất vẫn là Akai bởi cái tên của nó đã trở thành một thương hiệu.
Anh cho chiếc băng cối vào máy, tiếng của ban nhạc ABBA vang lên những bài hát từ năm 80 của thế kỷ trước. "Chiếc Studer này có giá khoảng 8.000 đô, là một trong những chiếc máy chạy ''ngon'' nhất, cho chất lượng âm thanh tuyệt vời". Người chơi máy hát thường phải sắm cho bài bản, mua được máy tốt thì phải lùng cho được đĩa tương ứng, bởi máy tốt mà không có đĩa phù hợp thì cũng bằng không.
Trong giới chơi công phu này, dân sưu tập cũng rải rác, Sài Gòn có, xuống Cần Thơ, Cà Mau, lên Đà Lạt cũng có, và thậm chí ngoài Bắc như Hà Nội, Hải Phòng cũng có nhiều người chơi. Tuy nhiên, “thủ phủ” của chúng vẫn là đất Sài Gòn với nguồn máy phong phú và không ít người chịu chơi đầu tư rất bài bản. Ở Sài Gòn, việc mua bán, trao đổi máy giữa những người cùng đam mê diễn ra rất sôi nổi.
Hoặc không, người có tập tành chơi có thể tìm các máy Akai giá mềm chỉ tầm vài triệu đồng ở chợ Nhật Tảo là phổ biến nhất, đường Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ hoặc các chợ phiên đồ cổ. Xôm tụ nhất vẫn là trên mạng, các chợ mua bán điện tử trực tuyến có hàng trăm chủng loại và giá thành.
Đủ loại giá, cần gì có đó
Ở quán cafe nơi anh Nghĩa thường tụ họp bạn bè đồng sở thích và bán máy cho người có nhu cầu, máy Akai treo từ đầu đến cuối quán, trưng từ dưới đất lên đất trần nhà, khắp nơi đều có. Anh chia sẻ, chiếc Akai đắt nhất có giá lên đến 13.000 đô. Trên thị trường, có chiếc đến hơn 30.000 đô nhưng anh chưa dám nhập về.
|
Máy hát đĩa kim đang sống lại thời huy hoàng của nó. |
Cho tròn đôi, người chơi thú chơi này thường sắm cho đủ máy hát và cả băng. Thông thường, băng nhạc nước ngoài thường rẻ hơn băng nhạc Việt Nam vì băng nội địa luôn khan hiếm, ít phong phú hơn nước ngoài. Băng thường dao động trong khoảng 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng cho hai loại 7 ly hoặc 9 ly tùy vào nội dung và tuổi thọ. Những băng có tuổi thọ 30-40 năm đắt và được săn lùng dữ dội. Băng càng lâu đời, dân chơi càng nâng niu như "gia bảo".
Người chơi Akai thứ thiệt ít sắm đồ đơn. Ngoài máy hát và băng, họ còn săn lùng các loa, bộ âm ly cũng như hỗ trợ âm ly cho âm thanh tốt nhất. Loa và âm ly thường đi theo cặp, chẳng hạn âm ly Fisher 250 đi với loa AR4, Fisher 800T với AR3, Sansui 5.000X với Pioneer CS88A hoặc Pioneer CS98A, nối với những đầu máy Teac A4010 hoặc Teac 6010. Giới chơi Akai thường làm trọn một bộ audio xưa gồm một tivi cửa lùa, một cặp loa âm ly Sansui, một đầu Teac 6010.
Giá của cả bộ không dưới 100 triệu đồng. Họ nâng niu bởi niềm đam mê cho thú chơi, bởi giá đắt và còn bởi vì nếu hư hỏng thì cả Sài Gòn tìm nơi sửa không đếm nổi đầu ngón tay.
Anh Quốc Việt, một người có 15 năm chơi máy hát cổ chia sẻ niềm đam mê của mình với thú chơi cổ điển này: “Các máy hát này bắt đầu thịnh lại vào khoảng năm 2008 vì từ năm 2000 trở đi người chơi bắt đầu có tài chính dư dả và có cơ hội tìm các món đồ độc. Chơi chúng phải có đam mê và vốn hiểu biết về âm thanh. Một máy hát có đắt hay không phụ thuộc vào nhu cầu thị trường chứ không phải do bản thân nó có mắc hay không”.
Về nguồn các máy hát nói chung và Akai nói riêng, anh Việt cho biết hầu hết đều có xuất xứ từ dân chơi Sài Gòn. Có một giai đoạn dân chơi kháo nhau nguồn máy rất lớn từ các tỉnh miền Tây do máy từ Sài Gòn trôi dạt về. Tuy nhiên, theo anh Việt, Sài Gòn vẫn là “thủ phủ” của các loại đồ chơi xưa cũ này. Người chơi sành sỏi phải biết “luồn lách”, chịu khó đi khắp các ngõ ngách tìm tòi, có khi, một chiếc máy Akai thuộc hạng hiếm có khó tìm trong giới lại được bán với giá rẻ mạt trong một khu bán đồ cổ đổ đống, hay thanh lý với giá bèo trên các trang mua bán trực tuyến.
Vì là đồ cổ nên các máy này rất dễ hỏng hóc, thiếu rớt linh kiện, nhất là đầu từ. Rất nhiều người khi trót mua máy về khi trục trặc thì không biết mang đi đâu. Ở những quán café nhạc hi-end, hoặc quán café của anh Nghĩa Akai đều là những địa điểm tin cậy được người dùng mang máy đến để anh em trong nghề sửa chữa.
"Phải mất đến 2 năm tôi mới để dành để sưu tầm cho đủ bộ máy Akai và cả bộ đèn âm ly hỗ trợ. Lặn lội xuống tận Cần Thơ để mua cho được cuốn băng của ca sĩ Thanh Thúy yêu thích, những khi nhâm nhi tách trà bên âm thanh cũ kỹ của một thời tuổi thơ thì ngẫm nghĩ cái giá cũng xứng đáng", anh Thanh Lâm (ngụ quận Bình Thạnh) chơi Akai đã 6 năm nay chia sẻ. "Khi đã đam mê, cách nào cũng tìm được cho mình thứ mong muốn", anh Lâm đúc kết.