Mới đây, các nhà khoa học đã phân tích một số loại gạo nhập vào Mỹ và phát hiện hàm lượng
chì trong gạo Trung Quốc vượt ngưỡng cho phép 120 lần.
Các nhà khoa học đã xét nghiệm các bao gạo được đóng gói, xuất khẩu có nguồn gốc từ Bhutan, Italy, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Israel, Cộng hòa Czech và Thái Lan.
Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA), nếu vượt PTTI (tạm dịch: mức hấp thụ cho phép) hơn 10 lần thì hàm lượng chì sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dùng.
Song những kết quả của các nhà khoa học cho thấy, lượng chì được phát hiện trong các bao gạo vượt gấp 20-120 lần so với tiêu chuẩn PTTI. Trong đó, các loại gạo từ Trung Quốc và Đài Loan chứa hàm lượng chì vượt mức an toàn cao nhất trong số các mẫu thí nghiệm.
Chì được xem là chất hóa học đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan nội tạng và hệ thần kinh trung ương. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong quá trình phát triển nếu bị phơi nhiễm với hàm lượng chì cao.
Do lúa gạo được trồng trong môi trường cần tưới tiêu nhiều, nên dễ nhiễm phải các hóa chất độc hại từ môi trường nước hơn so với các loại ngũ cốc khác. Theo các nhà khoa học trên, chính thói quen canh tác tại các quốc gia là nguyên nhân dẫn tới việc hóa chất độc hại nhiễm vào gạo. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, người nông dân vẫn tưới tiêu ruộng đồng bằng nước lấy từ các nhánh sông chứa nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý.
|
Dư luận từng xôn xao về một loại gạo làm bằng nhựa xuất xứ Trung Quốc |
Còn nhớ vào năm 2011, dư luận xôn xao về một loại gạo lạ mang tên "gạo Thái Lan" xuất hiện tại TP.HCM. Gạo này có những dấu hiệu khác thường như hình dạng thon dài đến 10mm, đều tăm tắp, không có hạt gãy đôi, sứt mẻ, bụng không bạc. Khi nấu lên, cơm không có mùi thơm, hạt đàn hồi như cao su. Song, vụ việc này sau đó cũng chưa có kết luận vì không còn mẫu để phân tích, đối chứng.
Trước đó, một tờ báo tiếng Hàn Quốc tại đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc đã đưa tin về loại gạo giả, được bán tràn lan trên thị trường Trung Quốc. Những hạt gạo giả này là hỗn hợp của bột khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp.
Một chuyên gia về thực phẩm Hong Kong cho hay: “Người ta nhào nặn bột khoai tây và khoai lang thành hình hạt gạo rồi cho thêm nhựa tổng hợp resin vào hỗn hợp đó. Do các hạt gạo giả hoàn toàn khác gạo thật nên chúng rất cứng sau khi nấu. Ngoài ra nhựa tổng hợp resin rất độc hại đối với cơ thể người”.
Đầu năm 2012, nghi vấn gạo nhựa cũng gây xôn xao ở Hà Nội khi nhiều người dân ở quận Hoàng Mai khẳng định đã mua gạo nhựa về nấu cơm và không thể ăn được. Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra nhưng vẫn không thể tìm ra được loại gạo này. Gạo làm bằng nhựa vẫn là một nghi vấn chưa có câu trả lời cuối cùng.
Theo kết quả điều tra của một tờ báo tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, một doanh nghiệp trực thuộc chính phủ Trung Quốc đã bày bán trên khắp các chợ của tỉnh này trong suốt hơn 3 năm qua hơn 10.000 tấn gạo bị nhiễm hóa chất cadmium. Hóa chất độc hại này có khả năng gây suy thận, hỏng xương.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên gạo nhiễm độc bị phát giác ở Trung Quốc. Vào tháng 2/2011, một bản báo cáo của trường đại học Nông nghiệp Nam Kinh, Trung Quốc đăng trên tạp chí Century Weekly đã tiết lộ một kết quả hãi hùng với 10% gạo đang bày bán ở Trung Quốc đều nhiễm độc tố
cadmium.
Theo báo chí Trung Quốc đưa tin thì nguyên nhân gạo nhiễm cadmium là do đất trồng bị nhiễm cadmium, đồng, kẽm, chì và thạch tín, trong khi, nông dân Trung Quốc không đủ kinh phí để lo đến chuyện nghiên cứu môi trường đất. Ngộ độc cadmium là quá trình tích lũy lâu dài. Nông dân trồng lúa tại vùng đất bị ô nhiễm thì khó tránh khỏi bị nhiễm độc bởi họ sản xuất và ăn cơm ngày ba bữa bằng gạo bị ô nhiễm.
Một người nhiều năm nghiên cứu về gạo, ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Công ty Thái Dương khẳng định trên báo VTC News: Đất Việt Nam không có hiện tượng nhiễm độc như ở Trung Quốc. Người tiêu dùng Việt Nam có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng gạo Việt Nam. Gạo Việt Nam cũng được thế giới đánh giá là gạo ít độc tố nhất, đặc biệt là gạo trồng ở miền Bắc đảm bảo độ an toàn cao.
Theo ông Sơn, việc nghiên cứu môi trường đất đã được các nhà nghiên cứu chuyên môn của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt nam làm từ rất lâu. Các hàm lượng tàn dư trong đất của VN như cadmium, đồng, kẽm, chì đều dưới mức cho phép nên không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, rất khó để có thể biết gạo Trung Quốc có được tiêu thụ ở Việt Nam hay không? Vì có thể xảy ra tình trạng nhập lậu gạo Trung Quốc kém chất lượng và được mua với giá rẻ như cho không, đem về trà trộn vào gạo Việt Nam. Hiện tượng này nếu xảy ra ở Việt Nam thì rất nguy hiểm.
Còn ông Nguyễn Công Khẩn, cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: Ở Việt Nam chưa xuất hiện loại gạo nhập khẩu từ Trung Quốc. Thông tin gạo làm bằng nhựa cũng là thông tin thất thiệt, và chính báo chí Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ tin đồn này.
Bà Phạm Thị Mải, Giám đốc chi nhánh sản xuất chế biến lương thực – thực phẩm Bần Yên Nhân (Mỹ Hào, Hưng Yên) cho rằng: "Nếu gạo nhiễm độc, nhiễm chì, kém ở mức độ quá lớn, thì bằng mắc thường và cảm quan có thể phân biệt được gạo. Gạo nhiễm độc nặng sẽ có màu vàng cam hoặc màu xám không giống hạt gạo tự nhiên. Còn bình thường, nếu chỉ ở mức độ nhẹ hay mới chớm thì người tiêu dùng rất khó phát hiện, phải trải qua kiểm nghiệm, phân tích mới biết được có chất độc hại hay không. Vì thế, người tiêu dùng thông minh, những bà nội trợ, nên chọn gạo có thương hiệu, đóng gói cẩn thận".
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU