Cá tắc kè được ví như "gà biển" có màu đỏ hồng, hai vây cánh nằm dọc theo bên thân kéo dài đến tận đuôi, với trọng lượng từ 0,3-0,6 kg/con. Thế nhưng không hiếm trường hợp lên đến trên 1kg/con. Giá cá tắc kè thời điểm này cao hơn bình thường từ 10-30.000 đồng/kg, thế nhưng vì nhu cầu tiêu thụ cá tắc kè trong dịp Tết lớn nên không phải có tiền là mua được.
|
Hiện với kích cỡ từ 0,4-0,6 kg/con, cá tắc kè được bán với giá khoảng 200.000 đồng/kg. |
Loài cá đặc sản này thường cư trú ở đáy của vùng biển xa, cách bờ mấy trăm hải lý. Thế nhưng riêng vùng biển ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhiều ngư dân trong vùng cho biết: Vào mùa mưa lũ, biển động (từ tháng 10-12 âm lịch) thì cá tắc kè vào sát các rạng đá gần bờ đảo để sống và sinh đẻ.
Ngoài đánh bắt bằng lưới giã cào, lưới mùng... như nhiều nơi khác, ngư dân Lý Sơn còn dùng đoọc để lặn và đâm. Việc đánh bắt cá tắc kè diễn ra quanh năm. Tùy theo hình thức, quy mô... mà lượng đánh bắt của tàu thuyền khác nhau. Gặp điểm cá tắc kè sinh sống nhiều thì được từ 1-3 tấn/tàu thuyền/chuyến; còn ít thì vài trăm kg/tàu/chuyến.
"Riêng đánh bắt bằng cách lặn đâm bằng đoọc thì chỉ 1-7 kg/người", ngư dân Bùi Vinh (38 tuổi), thợ lặn ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn cho biết.
|
Nướng lửa than - cách chế biến ngon nhất món cá tắc kè. |
Ông Nguyễn Văn Tâm (52 tuổi), một chủ cơ sở chuyên thu mua cá tắc kè khá lớn ở thôn Đông, xã An Vĩnh tâm sự: Hơn 10 năm về trước thì cá tắc kè còn rất nhiều, lượng thu mua từ 150-200 kg/ngày. Tuy nhiên gần đây, khi cá tắc kè được biết là một loại đặc sản, nên người tham gia đánh bắt ngày càng nhiều, dẫn đến số lượng cá tắc kè giảm sút nhanh. Theo đó hiện chỉ mua được 20-50 kg/ngày.
Theo một số chủ thu mua hải sản trong tỉnh, ngoài tiêu thụ ở các hàng quán trên địa bàn, một số lượng lớn cá tắc kè mà ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt còn được đóng thùng để chở vào các tỉnh phía nam, đặc biệt là TP.HCM để bán, với số lượng có thời điểm lên đến cả tấn/ngày.